Trẫm Mang Thai Con Của Phản Tướng Kiếp Trước

Chương 114


trước sau



Ngày mồng Mười tháng Bảy, Kiêu Kỵ Úy kinh thành Tạ Tuân - Tạ lão tướng quân đột ngột xông thẳng vào buổi thiết triều, cầu xin được lật lại một bản án cũ.

Bởi vì vụ án mưu nghịch năm đó liên lụy đến rất nhiều quan viên, một thời từng làm kinh thành rúng động, trong lúc nhất thời, sự việc này gây nên sóng to gió lớn.

Thế cục trong triều đương biến hóa vô chừng, nay lại càng thêm hỗn loạn âm u.

Ban võ tướng vô cùng phẫn nộ, thi nhau dâng thư yêu cầu tra rõ, có thể nói, bản án xưa cũ này như một cây gai đã cắm trong lòng võ tướng Bắc An suốt nhiều năm.

Năm đó, sau khi bản án mưu nghịch của Đại tướng Nghê Diễm kết thúc, rất nhiều võ tướng bị xử phạt, từ sau án đó, võ tướng Bắc An không còn ai lên được hàm Tam phẩm, bầu không khí trọng văn khinh võ trong triều ngày càng nghiêng lệch, con cháu hàn tộc càng ít cơ hội được trọng dụng.

Nghê Diễm xuất thân hàn vi, nhờ có bản lĩnh mang binh đánh giặc mà được liên tục thăng lên vị trí chủ soái Đại doanh Tây Bắc.

Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, không chỉ có công khai thông tuyến đường Hà Tây, mà còn khuếch trương lãnh thổ Bắc An đến tận Tây Vực, lập nên chiến công lừng lẫy muôn đời.

Người là một kẻ hàn tộc, nhưng nhờ có chiến công vĩ đại như vậy nên được phong là Võ Uy Hầu.

Thế nhưng, năm Sơ Võ thứ mười lăm, Nghê Diễm lại cấu kết với giặc ngoài, chắp tay dâng mười sáu châu Nam Đài cho nước Nam Chiếu.

Tin tức truyền về kinh đô, Minh Đức đế giận dữ, lệnh cho Trấn Bắc Hầu Tư Mã Kỵ tra rõ việc này.


Sau tuôn ra nhiều chứng cứ xác thực, Nghê Diễm bị chặt đầu tại chỗ, người trong tộc của ông hễ là nam từ mười sáu tuổi đều bị giết hại, dưới mười sáu tuổi bị đưa vào Dịch U Đình vĩnh viễn làm nô; hễ là nữ thì bị sung vào Giáo Phường Tư.

Trong lòng chúng võ tướng, Nghê Diễm có vị thế rất cao cả, lẽ dĩ nhiên, rất nhiều võ tướng không phục, thậm chí bất chấp tính mạng dòng họ mà bôn ba kêu oan.

Thân là hoàng đế, sao có thể dung thứ cho hành động thách thức ấy được, cho nên Minh Đức đế thịnh nộ, ra lệnh giết hết người này đến người khác, mãi đến khi máu nơi Ngọ Môn thấm đỏ cả mặt đất, tiếng kêu oan mới dần nguôi.

Triều Bắc An trước nay vốn trọng văn khinh võ, sau án này thì tập quán ấy càng ăn sâu bén rễ, chúng quan văn khống chế thế cục triều đình, tiếng nói của ban võ tướng không còn quan trọng.

Rồi năm này qua tháng nọ, bản án năm xưa dần trở thành án chết.

Bây giờ, bản án mưu nghịch ấy lại bị lật lại lần nữa, rất nhiều chứng cứ chỉ ra rằng năm đó Đại tướng Nghê Diễm bị giết oan, Chủ thẩm là Trấn Bắc Hầu Tư Mã Kỵ có nhiều điều khuất tất.

Để tỏ lẽ công bằng, vụ án được Đại Lý Tự công khai thẩm tra, hết thảy nhân chứng vật chứng được dâng trình.

Cùng với sự hiện diện của rất nhiều bằng chứng thép, tình tiết vụ án đã rõ rành rành —— Trấn Bắc Hầu Tư Mã Kỵ vu oan hãm hại trung lương, ngầm tiết lộ bản đồ bố phòng của mười sáu châu Nam Đài cho mật thám Nam Chiếu, khiến cho Đại quân Bắc An không địch lại thiết kỵ Nam Chiếu, để rồi Chủ soái Nghê Diễm bị bêu danh phản quốc, tư thông với địch, cuối cùng chết oan.

Mặc dù vụ án đã sáng tỏ, nhưng sau đó, mọi việc đột nhiên im bặt đi, ngay cả buổi thiết triều hằng ngày cũng ngừng lại.

Trong chốn dân gian, dư luận đã dậy sóng.

Nghê Diễm là võ tướng xuất thân từ hàn tộc, từ thuở Bắc An mới lập quốc đến nay, ông là nhân sĩ hàn tộc duy nhất được phong hầu.

Nay người bị oan khuất như vậy, thậm chí con trai là Nghê Liệt kế tục y bát của cha, mặc dù chiến công hiển hách, nhưng trên triều đình vẫn bị vây cánh nhà Tư Mã chèn ép.

Rất nhiều chuyện cũ, lời đồn tuôn ra, làm cho vụ án mưu nghịch này thêm phần sâu xa phức tạp.

Đông đảo bình dân hàn tộc đứng lên nêu ý kiến, tỏ lập trường.

Một cơn sóng ngầm cuốn theo những ngột ngạt bất bình nhiều năm của tầng lớp hàn tộc đang dần cuộn lên.

Triều đình không thể làm lơ những thỉnh cầu nghiêm trị gian nịnh như vậy, cho nên, để đáp lại những mong mỏi thiết tha của dân chúng, vào hạ tuần tháng Bảy, Triều Nguyên đế lệnh cho Hình bộ và Ngự Sử Đài mau chóng giải quyết án oan.

Đầu tháng Tám, án Nghê Diễm mưu nghịch đã có kết quả, nhưng phía Đại nội lại chậm chạp, không chịu công bố.

Cửa Ngọ Môn chật kín người quỳ lạy.

Dưới sự dẫn dắt của Nghê Liệt, lời thỉnh nguyện của chúng nhân sĩ hàn tộc càng ngày càng dày đặc, nhiều vụ đổ máu đã xảy ra trong kinh thành, thế cuộc giằng co kịch liệt.

Càng chậm trễ một ngày, tình hình kinh đô lại càng thêm nguy cấp, cho nên đến trung tuần tháng Tám, đương lúc nước sôi lửa bỏng, triều đình rốt cuộc ban bố bốn sắc lệnh như sau:
Một là, tước đi tước vị của Trấn Bắc Hầu Tư Mã Kỵ, tạm giải vào Đại Lý Tự, sau khi tam đường hội thẩm sẽ công khai xử trí.

Hai là, khôi phục tước vị Võ Uy Hầu của Nghê Diễm, con trai Nghê Diễm là Định Viễn Đại tướng quân Nghê Liệt được phép kế tục, khôi phục tông họ, ban cho vạn hộ; sắc phong con gái Nghê Anh của Nghê Diễm trở thành Thanh Hà Công chúa, địa vị ngang với hậu duệ hoàng gia.


Ba là, lệnh cho Lễ bộ điều chỉnh lại chế độ phẩm bậc của võ tướng, hủy bỏ lệ cũ rằng võ tướng không được ban hàm Tam phẩm.

Bốn là, để trấn an hàn tộc trong thiên hạ, nay hủy bỏ chế độ khoa khảo cũ.

Hễ cứ là con dân Bắc An, bất luận tôn ti thứ bậc, đều có thể tham dự khoa khảo, hủy bỏ các điều kiện về thân phận.

Để biểu hiện quyết tâm cải cách của triều đình, Triều Nguyên đế nguyện dùng thân song tính nghênh sính Võ Uy Hầu Nghê Liệt - xuất thân từ hàn tộc - làm Hoàng phu, nhằm yên lòng chí sĩ hàn tộc trong thiên hạ.

Bởi vì tang kỳ của tiên đế chưa hết, nên lễ thân nghênh sẽ hoãn cử hành.

Trận chiến này đã giằng co quá nhiều ngày, đảo điên quá nhiều thứ, thành ra không ai cảm thấy quyết định của Triều Nguyên đế có gì lạ đời lắm nỗi.

Hôm Đại nội chiêu cáo thiên hạ, nhân sĩ hàn tộc mừng rỡ reo to, khắp phố lớn ngõ nhỏ tràn ngập tiếng cười, thậm chí còn náo nhiệt hơn bất kỳ ngày lễ nào trong năm.

Sau buổi tam đường hội thẩm, tội danh tư thông bán nước, vu hại trung lương của Trấn Bắc Hầu Tư Mã Kỵ đã được xác thực.

Tư Mã Kỵ thấy tình thế không thể cứu vãn được nữa, bèn lập mưu dấy binh tạo phản, nhưng lại bị Phó tướng Trấn Bắc quân là Hoàng Nham tố giác.

Triều Nguyên đế thịnh nộ, ra lệnh xử lăng trì, hành quyết thị chúng, lấy đó làm gương.

Đến đây, toàn bộ bè đảng Tư Mã gia đã sa lưới, riêng con trai là Tư Mã Dục không rõ tung tích, mai danh ẩn tích.

Mùa thu năm Ký Hòa nguyên niên đã định là một giai đoạn sóng to gió lớn.

Trong nháy mắt, một tháng trôi qua, khí trời dần lạnh.

Cuộc cải cách rung chuyển khắp thiên hạ đã dần bình ổn lại, chậm rãi đi vào nề nếp.

Nhưng với Lý Nguyên Mẫn, cuộc đời y lại chuẩn bị nghênh đón một đợt hỗn loạn mới —— không mấy người biết, bệ hạ của bọn họ sắp sửa sinh hạ hoàng nhi.

Ngự lâm vệ tầng tầng canh gác bên ngoài, ai không có chiếu chỉ thì không được vào điện, mặt mũi ai nấy đều nghiêm trang thận trọng.

Nghê Anh vận trang phục thêu hoa, dẫn vài vị cung nữ tâm phúc vào đại điện, vừa lúc bắt gặp Hạ Thái y từ bên trong đi ra ngoài.

"Sao rồi ạ?" Nghê Anh vội hỏi.

Hạ Vân Dật an ủi: "Thai nhi của bệ hạ rất khỏe mạnh, chỉ là phải mất chút thời gian."
Nghê Anh nghe vậy thì an tâm hơn một chút, nàng lệnh cho các cung nữ theo sau chờ ngoài điện, còn mình thì nhấc vạt áo tiến vào bên trong.

Một vài cung nhân đã chờ sẵn ở đó, sắc mặt mọi người đều nghiêm túc cẩn thận, ngoài ra còn có mấy bà đỡ kinh nghiệm phong phú, trong sạch đáng tin mà a huynh tìm về.


Mặc dù trong điện đứng một đám người, nhưng bầu không khí rất im lặng, tấm bình phong song long hí châu nửa trong suốt đã che lại tất cả những động tĩnh trên long sàn, mọi người chỉ có thể nghe được đôi ba tiếng thì thầm rất nhỏ từ trong ấy truyền ra.

Bệ hạ cao quý của bọn họ bấy giờ đang ưỡn bụng lớn, yếu ớt nằm trong lòng Võ Uy Hầu Nghê Liệt, mái tóc đen huyền của y ướt nhẹp, khuôn mặt đẹp đẽ vùi vào trong cổ hắn, hàng lông mi đã thấm sương.

Lồng ngực Nghê Liệt đã bị mồ hôi của y làm cho ướt đẫm, bệ hạ vốn luôn chững chạc đoan chính là vậy, nhưng giờ khắc này lại nhõng nhẽo ương bướng như một đứa trẻ xấu tính, y không cho Nghê Liệt đi đâu hết, cũng không cho hắn rời giường, chỉ có thể bầu bạn với mình.

Nghê Liệt hiểu rõ nỗi sợ hãi đằng sau sự kiêu kỳ bướng bỉnh này của y, cho nên chỉ ôm chặt y, cúi đầu, kề sát vành tai trắng như tuyết ấy mà thì thào điều gì đó, có vẻ như là những lời ngon tiếng ngọt để an ủi.

Nghê Anh chưa từng thấy anh trai mình có lúc nào dịu dàng như vậy, cũng chưa từng thấy điện hạ ca ca của có khi nào lại trẻ con sướt mướt như thế, nhưng lại trông hài hòa đến lạ.

Giữa hai người như có một mối liên kết nào đó, không ai chen vào được.

Nghê Anh đứng từ xa nhìn lại, trái tim như dâng lên một dòng nước ấm, khóe mắt rơm rớm.

Nàng lặng lẽ dặn dò cung nữ bên cạnh vài câu rồi rón rén ra ngoài.

Đau cả một ngày một đêm, cuối cùng Lý Nguyên Mẫn đã hạ sinh đứa trẻ đã từng làm y vô cùng đau đớn và hổ thẹn này, sau khi thấy được nơi hạ thân đứa bé giống hệt một bé trai bình thường, Lý Nguyên Mẫn gào khóc.

Bà đỡ và các cung nữ hầu hạ không hiểu vì sao bệ hạ lại đột nhiên như vậy, ai nấy sợ tái cả mặt.

Nghê Anh trấn định cho mọi người lui ra, nhưng sau khi xoay người lại, nước mắt đã dâng ầng ậc, nàng cố gắng nén lại, bế đứa trẻ tròn vo mập mạp ấy đặt xuống bên người Lý Nguyên Mẫn.

Nàng cất giọng khàn khàn: "Bệ hạ, bé con đang nhìn người đó."
Trẻ con lúc mới sinh cũng không dễ nhìn cho lắm, nó khóc đến nỗi mặt mũi đỏ bừng, da dẻ nhăn nheo, trông như một con khỉ con vậy, nhưng vừa trông thấy con, cả người Lý Nguyên Mẫn nhẹ nhõm, như thể có thứ gì đó đã tan biến.

Y ngậm nước mắt, hôn lên khuôn mặt còn đỏ hỏn, ngắm một lúc, lại cúi đầu hôn lên gương mặt non mềm của con lần nữa.

Bé con chợt thôi gào khóc, chỉ há miệng, ngơ ngác nhìn người trước mặt.

Lý Nguyên Mẫn ứa lệ, nước mắt rơi xuống như mưa, nhưng khóe miệng lại nhoẻn cười.

Y cứ làm càn mà khóc lóc như vậy, nhưng không ai ngăn cản, trong giờ khắc này, hai anh em Nghê gia đều chiều theo y.

Từ khoảnh khắc này đây, giữa bọn họ đã có một sự ràng buộc, một ràng buộc mà đời đời kiếp kiếp không gì chia cắt được..



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện