Phong Cảnh Giấu Trong Hồi Ức

Chương 13: Lóe sáng rồi cũng lụi tàn mà thôi


trước sau

Advertisement

Có câu giấy không gói được lửa, bố làm gì bên ngoài, cuối cùng cũng bị mẹ phát hiện.

Không bao lâu sau, hai người ly hôn.

Bố Từ Bạch tìm được một luật sư rất giỏi, đã xử lý nhiều vụ ly hôn. Tuy nhiên, mẹ Từ Bạch không muốn gì cả, bà chỉ cần quyền nuôi con gái.

Về chuyện này, đánh giá của Đào Quyên là: "Mấy người làm nghệ thuật là vậy đấy, không dính khói lửa phàm tục đâu."

Đào Quyên vào tứ hợp viện ở, được bà nội Từ Bạch tự tay chăm lo. Khi đó bụng cô ta đã hơi lớn, trong đó có một sinh mệnh mới.

Đào Quyên đi đến đâu cũng chống nạnh – trong thời đại mà hộ khẩu ở Bắc Kinh rất đáng giá, cô ta chẳng mấy chốc đã giải quyết được chuyện nhà ở, hôn nhân và công việc, mặc dù cũng chẳng dễ dàng gì.

Từ nhân viên phục vụ trong khách sạn, cô ta trở thành thư ký của một công ty. Nhờ các mối quan hệ của bố Từ Bạch, quỹ đạo cuộc sống khác trước rất nhiều.

Đào Quyên cũng không quên phải củng cố vị trí.

Cô ta nghe nói hoạ sĩ thường rất nóng nảy, lường trước mẹ Từ Bạch không quán xuyến khéo léo như mình, cũng không dịu dàng nhỏ nhẹ bằng mình, thế nên cô ta càng hết mực yêu thương, săn sóc bố Từ Bạch nhiều hơn.

Bố Từ Bạch vẫn chưa đăng ký kết hôn với cô ta, thế nhưng chuyện lấy giấy chứng nhận chỉ là chuyện sớm muộn.

Vì đàn ông rất quan tâm đến con cái của mình, mà Đào Quyên là mẹ đơn thân thì không thể làm hộ khẩu cho con.

Lại là một ngày nắng cuối tháng tám, hoa cỏ cây cối tươi tốt, ánh mặt trời ấm áp.

Từ Bạch lên cấp 3, nhưng không học ở trường cấp 2 cũ.

Mẹ đưa cô vào trường quốc tế nội trú, dự định sau này cho cô đi du học ở Anh.

Chỉ là sau khi đóng tiền học, mẹ cũng không còn lại bao nhiêu tiền. Đúng lúc ở Thượng Hải có một cơ hội tốt để triển lãm tranh, sau khi sắp xếp ổn thoả cho Từ Bạch, một mình bà đến Thượng Hải.

Từ Bạch vẫn còn nhiều đồ đạc ở tứ hợp viện.

Bà nội khoá cửa phòng cô lại, không cho người khác vào. Nhưng bà nhìn vật nhớ người, lại rất nhớ cháu gái, thỉnh thoảng gọi điện cho Từ Bạch, bảo cô lúc được nghỉ thì về nhà ăn cơm.

Ngày Quốc khánh vào tháng 10, mẹ vẫn ở lại Thượng Hải chưa về, Từ Bạch nhận được điện thoại của bà nội, đeo cặp về nhà.

Hẻm nhỏ vẫn là hẻm nhỏ trước kia, nhưng nhà lại không phải nhà cũ nữa. Con đường lúc trước đi chỉ tốn mười phút, hôm nay Từ Bạch lại tốn tận nửa tiếng.

Hàng xóm mới dọn đến bên cạnh, quả nhiên đã nhổ bỏ cây thiên trúc quỳ. Cảnh sắc trong việc không bằng năm trước, sân cỏ vàng hoe, lá rụng khô héo. Từ Bạch chợt bừng tỉnh nhận ra, thì ra mùa thu là mùa tàn lụi.

Bà nội đứng trước cửa đón cô: "Tiểu Bạch, hôm nay có giò heo hầm đó."

Lâu ngày không gặp, bà nội thấy cháu gái lại gầy đi. Bà xoa xoa khuôn mặt nhỏ của Từ Bạch rồi dặn dò: "Cháu ở trường phải ăn nhiều vào, đang tuổi phát triển, không ăn sao được, cháu bao nhiêu cân?"

Từ Bạch nói thật: "48 kí ạ."

"Người cao 1 mét 7," bà nội đau lòng, "thế này sao được...."

Trong mắt bà, cao như Từ Bạch, phải 60 kí mới khoẻ mạnh.

Vậy nên lúc ăn cơm, bà nội liên tục gắp đồ ăn cho Từ Bạch: "Hôm nay giò nấu ngon lắm."

Bố Từ Bạch ngồi đối diện, lâu rồi không gặp con gái nên đương nhiên cũng rất muốn quan tâm con. Thế nên ông lấy thịt ở bụng cá rô, dùng muỗng múc vào chén con gái.

"Ăn cá đi." Bố nói, "Cá này bố làm đó."

Bộ ghế sô pha trong nhà đã thay đổi, cả bộ dụng cụ ăn cũng khác trước.

Từ Bạch chỉ có cảm giác đang làm khách ở nhà người khác.

Trong lòng cô có tâm sự, ăn cơm cực kỳ chậm.

Bố cô hỏi: "Còn con cua đang hấp trong nồi đó, không phải con thích ăn cua nhất sao? Trong nồi bỏ nhiều gừng lắm, từ nhỏ con đã thích ăn kiểu này nhất."

Từ Bạch nghe thấy câu này, rốt cuộc cũng ngẩng đầu lên.

Từ khi mới vào nhà, cô đã cảm thấy có gì đó không đúng. Cho đến bây giờ, cô mới nhận ra: "Bánh Trôi của con đâu?"

Từ Bạch bỏ đũa xuống, không ăn cơm nữa. Cô nhìn thẳng bố, lại hỏi lần nữa: "Bố, Bánh Trôi của con đâu?"

Bánh Trôi, là con mèo Từ Bạch nuôi.

Bố muốn tránh chủ đề này, mở chai bia nói: "Tiểu Bạch, con muốn bánh trôi hả, đợi lát nữa ăn cơm xong, bố đi siêu thị mua cho...."

Từ Bạch đứng dậy, hai tay đặt trên bàn cơm.

Giọng cô lẫn vào tiếng khóc nức nở: "Bố nói con biết đi, bố để Bánh Trôi của con ở đâu rồi?"

Đồ ăn trên bàn bốc hơi nóng, nhưng không ai trả lời câu hỏi của cô.

Ánh nắng trời thu sáng sủa, trời cao xanh thẳm, mây trắng bồng bềnh, gió cũng rất dễ chịu.

Nhưng cả người Từ Bạch rét run.

Bà nội an ủi cô: "Cháu gái bảo bối ngoan, đừng khóc mà. Không phải chỉ là một con mèo thôi sao? Cháu muốn, bà nội mua con mới cho cháu nhé."

Ngồi đối diện Từ Bạch là người mẹ kế vẫn chưa mở miệng nói chuyện, lúc này cũng khuyên giải: "Đúng đó Tiểu Bạch. Con muốn nuôi mèo, nín khóc đi, nuôi con mới thôi."

Nói xong, mẹ kế còn cảm thấy bản thân đã nói điều gì rất vui, bật cười ra tiếng.

Từ Bạch sở dĩ về nhà, thứ nhất là thăm bà nội, thứ hai là thăm mèo.

Cô không hề muốn gặp bố.

Từ Bạch có thể nói chuyện bình thường với bố, chỉ là vì sự dạy dỗ của gia đình những năm qua.

Bố cũng từng đồng với Từ Bạch rằng mấy tháng này chăm nom mèo giúp cô, chờ mẹ cô cuối tháng 10 về lại Bắc Kinh, ổn định nhà cửa mới, thì trả Bánh Trôi lại cho cô.

Lần trước Từ Bạch trở về vẫn là tháng 9, vì cô ở trong trường nên không thể chăm sóc mèo như trước. Bánh Trôi nhìn thấy cô từ xa thì nhào đến, trông tội nghiệp vô cùng.

Con mèo vẫn còn bộ lông xù, lông hai màu đen trắng, thêm bốn bàn chân trắng như tuyết, hai tai dựng thẳng tắp, dựa đầu vào Từ Bạch dụi qua dụi lại, cản thận liếm láp cô.

Tạ Bình Xuyên nói không sai, Từ Bạch thực sữ đã nuôi con mèo này thành như con cún.

Từ Bạch còn nói với Bánh Trôi: "Em chịu khó một chút nhé, tụi mình cùng nhau chờ mẹ về, sau đó cùng dọn đến nhà mới."

Nhà mới ở khu Xương Bình, là một căn chung cư mới, vẫn chưa trang hoàng xong. Từ Bạch đã mua cát mèo, cũng đã làm nhà cây cho mèo.

Mà bây giờ, giữa trưa một ngày đầu tháng 10, mẹ kế Từ Bạch nói với cô: "Con nhìn đi, trong bụng dì có em trai con mà, mèo nào cũng bị bệnh giun, nhà mình có thai phụ thì sao nuôi được?"

Mẹ kế cho rằng, thai phụ và mèo, chỉ có thể giữ lại một.

Một con mèo, một con người, ai sẽ chọn thứ đằng trước chứ?

Mẹ kế che mặt cười: "Tình cờ, đồng nghiệp của bố con..."

Mẹ kế còn chưa nói xong, bố đã ném đũa xuống, nói thẳng với con gái: "Đồng nghiệp đó của bố, chính là chú Trương từng đến nhà mình, con cũng biết chú ấy."

Bố nói tiếp: "Con trai nhà lão Trương thích mèo, muốn nuôi một con đen trắng, giống cảnh sát trưởng Mèo Đen trong tivi, tình cờ thấy con mèo kia của con."

Mẹ kế và bố, đều nói "tình cờ"".

Tựa như đây là một chuyện vừa khéo.

Nhưng như vậy còn chưa đủ, bố còn nói tiếp: "Một con mèo thôi, con đừng để ý quá, con để thời gian cho chuyện quan trọng không phải tốt hơn sao?"

Từ Bạch im một lúc, cũng chẳng còn sức để nói.

Chỉ là cô vẫn đứng đó, hai chân tê cứng, sau gáy nhói lên, như máu đang chảy ngược.

Cô hỏi một câu: "Nhà lão Trương ở đâu, con muốn đi tìm mèo của con."

Mẹ kế ngồi đối diện vừa ăn giò heo, vừa mở miệng nói: "Tiểu Bạch, làm vậy không được đâu, đồ đã cho sao lấy lại được...."

Lời đó của mẹ kế, đúng lúc là bờ vực sụp đổ của Từ Bạch.

Từ Bạch lạnh lùng nói: "Đừng gọi tôi là Tiểu Bạch, ai quen biết cô."

Sắc mặt tươi cười của mẹ kế cứng đờ, cầm lấy giấy lau tay.

Chỉ cần là đồ ăn mẹ kế đã đụng vào, Từ Bạch sẽ không ăn nữa. Vì mẹ kế đã gắp cá rô, cho nên khi bố lấy thịt cá rô cho cô, cũng bị cô cho hết vào đĩa đựng xương.

Cô có thể ngồi cùng bàn ăn cơm với họ, đã là cực hạn mà Từ Bạch mười lăm tuổi phải chịu đựng.

Mẹ kế bị cô làm mất mặt, không nhịn được mà hỏi lại: "Gì đấy hả, một hai đòi đem mèo về, lỡ làm tổn thương em trai con...."

Với Từ Bạch, hai tiếng "em trai" chỉ là một từ vô nghĩa.

Huống hồ, bởi vì đứa em trai này, đến cả nhà cô cũng không còn nữa.

Áp lực suốt bốn tháng, trong giờ phút này tuôn ra như vỡ đê.

Nghĩ đến những uất ức mẹ phải chịu đựng, nghĩ đến nước mắt của mẹ, trong cơn giận dữ, Từ Bạch hất chén cơm xuống đất: "Cho dù làm bị thương thì sao, cô vốn dĩ đâu phải người nhà chúng tôi."

Câu này như tát thẳng vào mặt, sắc mặt mẹ kế thay đổi.

Cô ta cúi đầu, che bụng mình lại.

Trong bụng còn có một đứa trẻ chưa sinh ra.

Bố Từ Bạch thấy thế thì giơ tay lên, giống như muốn dạy dỗ con gái: "Tiểu Bạch, sao con lại nói vậy, có biết lễ phép không hả? Đó là em ruột con, xin lỗi dì nhanh lên."

Hốc mắt Từ Bạch rưng rưng, giọng nói nghẹn ngào: "Bố muốn đánh con sao..." Cô nức nở nói: "Con không bao giờ muốn gặp bố nữa."

Lúc Từ Bạch mới sinh ra, bố mẹ đều vô cùng mừng rỡ. Nhất là bố cô, gặp ai cũng khoe, nói vợ sinh cho mình một đứa con gái, vừa trắng trẻo vừa đáng yêu, nên gọi là Từ Bạch.

Từ Bạch hồi bé trắng trẻo xinh xắn, hầu như chưa từng có người lớn nào không thích.

Vì lý do đó, mà búp bê của cô cất đầy cả tủ.

Bố cô không biết phải nuôi con gái thế nào, cố gắng chu cấp cho cô những điều kiện vật chất tốt nhất.

Công việc chuyển từ dưới quê lên Bắc Kinh, bố mẹ Từ Bạch mượn chỗ này chỗ kia, khó khăn mua được tứ hợp viện.

Rồi sau đó, đến tận ngày hôm nay.

Tay bố Từ Bạch run run, cuối cùng cát tát cũng không rơi xuống.

Bây giờ ông không chỉ là bố của một mình Từ Bạch, ông còn có một đứa con chưa được sinh ra.

Ăn cơm xong, ông gọi điện cho lão Trương.

Bên đầu kia điện thoại, lão Trương định nói rồi lại thôi: "Haiz, lão Từ, tôi xin lỗi anh."

Lão Trương giải thích: "Con mèo nhà anh ấy, từ khi đến nhà tôi, suốt ngày chỉ chui vào góc, không ăn không uống, tôi đoán chẳng còn sống được bao lâu...."

Lão Trương vốn dĩ cho rằng, mèo nhà đến lúc đói không chịu nổi nữa thì sẽ tự mình tới ăn. Nhưng nhìn tình hình hiện tại, chỉ sợ không thể thay đổi cục diện.

Ông không muốn tìm chỗ chôn mèo, cho nên nhiệt tình đề nghị: "Lão Từ, nếu không thế này đi, bây giờ tôi lái xe đến nhà anh, trả mèo lại cho anh."

Thế nên trưa hôm đó, Bánh Trôi về lại trong tay Từ Bạch.

Nó được bỏ trong hộp các tông, hai mắt vẫn mở, tựa như viên pha lê, trong trẻo không lẫn tạp chất.

Nước mắt Từ Bạch rơi như mưa, hết sức thận trọng, nhẹ nhàng sờ đầu mèo.

Nó hơi híp hai mắt, vẫn giống như trước đây – vẫn giống như nhiều năm qua, "meo" một tiếng mềm mại vì cái vuốt ve dịu dàng của Từ Bạch.

Từ Bạch ôm chặt thùng giấy: "Không sao hết, về nhà là tốt rồi, chị dắt em đến bệnh viện."

Lão Trương ngại chi tiền cho mèo, còn Từ Bạch thì bỏ ra hết toàn bộ tài sản của mình.

Cô gọi một chiếc taxi, dùng tốc độ nhanh nhất trong đời, chạy đến bệnh viện thú cưng gần nhất.

Chính vào lúc bước vào cửa bệnh viện, Bánh Trôi lạnh dần.

"Em chịu khó chút nhé, lập tức tìm được bác sĩ thôi..." Nước mắt của Từ Bạch gần như che hết tầm mắt. Mỗi một giây cô ôm mèo, đều tựa như đang đến gần vực thẳm.

Từ Bạch gấp gáp vỗ về Bánh Trôi. Nó vẫn muốn dùng chút sức lực cuối cùng, xoay đầu liềm ngón tay cô – đầu lưỡi màu hồng nho nhỏ, vừa khô ráo, vừa lạnh lẽo.

Nó tựa đầu vào tay Từ Bạch, liên tục xác nhận cô sẽ không bỏ đi.

Nếu Từ Bạch phải đi, nó cũng hết cách, vì đôi mắt đã không mở ra được nữa. Nếu Từ Bạch phải đi, nó cũng không thể chờ cô quay về được nữa.

Bánh Trôi giống như biết bản thân mình không thể thay đổi hiện trạng, cái đầu tựa vào Từ Bạch chầm chậm rũ xuống.

Tuổi thọ của một con mèo không dài, nhưng toàn bộ ký ức của nó đều liên quan đến Từ Bạch.

Từ Bạch bụm mặt khóc nức nở, nước mắt rơi qua khe hở ngón tay. Nhưng cô không thể sụp đổ, cô còn phải tìm bác sĩ, tìm bác sĩ tốt nhất.

Nhưng bác sĩ cũng không thể làm gì được.

Bệnh viện thú cưng tràn ngập mùi thuốc sát trùng, bác sĩ mặc áo blouse trắng thở dài nói: "Cô bé, nén bi thương."

Bác sĩ nói: "Đưa đến trước ba ngày, ắt hẳn còn có thể cứu chữa, bây giờ thì không còn dấu hiệu sống nữa."

Từ Bạch ngồi dựa vào tường, trong lòng là con mèo đã lạnh buốt mà bác sĩ trả cho cô.

Từ Bạch nhớ đến năm mình chín tuổi, trên đường tan học về nhà, cô thấy một con mèo đi lạc.

Con mèo đó chỉ lớn cỡ lòng bàn tay, màu trắng đen, bốn bàn chân nhỏ trắng phau, ngồi xổm bên ven đường thấp thỏm bất an.

Từ Bạch không hề nghĩ nhiều, cô bỏ mèo nhỏ vào cặp, trực tiếp mang về nhà. Cô còn khoe với Tạ Bình Xuyên, nói cô nuôi một con thú cưng, cực kỳ ngoan, cực kỳ đáng yêu.

Nhưng Tạ Bình Xuyên lại nói: "Em nuôi mèo hả? Mèo không nhận chủ, ngoan thế nào được."

Nhưng mèo của Từ Bạch không giống bình thường. Nó dính người, biết nhà, thích làm nũng.

Bởi vì lông màu trắng đen, Từ Bạch đặt tên cho nó là Bánh Trôi.

Nhưng lúc này, Bánh Trôi không nhúc nhích nữa, như đã ngủ rồi.

Trước giớ nó thích chơi đùa bao nhiêu, bây giờ lại yên tĩnh bấy nhiêu. Hai tai cũng gục xuống, không còn hơi thở.

Từ Bạch đặt Bánh Trôi vào lại thùng giấy, sau đó tìm một chỗ yên tĩnh. Khi chôn cất, cô gỡ vòng tay của mình ra, bỏ vào thùng, xem như chôn cùng Bánh Trôi.

"Cảm ơn em đã ở cạnh chị sáu năm qua." Từ Bạch khóc đến đau đầu, bị gió đêm thổi bừng tỉnh, rốt cuộc cũng có chút tỉnh táo, "Em là con mèo tốt nhất, chị là người chủ tệ nhất."

Cô ngồi ở khu đất trống này rất lâu, nhìn đèn nê ông lấp lánh toả sáng ở xa.

Xung quanh hẻo lánh ít bóng người, chỉ có tiếng gió kéo dài.

Từ Bạch ôm đầu gối bằng cả hai tay, rốt cuộc cũng nhận ra một thực tế - trên thế giới này, không ai có thể ở bên cạnh cô mãi mãi. Cái chết là thời hạn, thời gian là ngân hà, trên hành trình cuộc đời dài này, cô chỉ là một người lữ hành cô độc.

Mà điểm cuối của con đường, lóe sáng rồi cũng lụi tàn [1] mà thôi.

[1] nguyên văn là ""明一灭一尺"", tác giả trích trong một bài thơ Haiku của tác giả Tachibana Kitaie.

Mình không đủ trình để dịch thơ Haiku vì mọi người biết là thơ Haiku siêu súc tích ấy, mình chỉ nói tóm gọn ý bài thơ này là, ánh sáng thỉnh thoảng lóe lên của đom đóm còn khiến con người cô đơn hơn bóng tối kéo dài, tại vì sáng lên đấy nhưng rồi cũng sẽ tắt.

Ai biết thì chỉ mình sửa lại nha.

__________________

Tác giả nói:

Haiz, tôi viết mà tôi cũng khóc luôn.

Thời niên thiếu kết thúc, tiếp theo sẽ là thế giới của người trưởng thành [che mặt].

______________

Editor: Mình edit đoạn Bánh Trôi chết cũng khóc sướt mướt T_____T


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện