Mạn Thiên Hoa Vũ

Huyễn Mộng


trước sau

Advertisement
Huyễn mộng: Cảnh tượng hư giả, mơ tưởng không thực tế

...

Một thời gian dài tôi không nghe tin tức gì về Trần Thuyên, đến bữa cơm hôm nay mới thấy Đoàn Nhữ Hài nhắc tới.

Thì ra Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang vừa mới qua đời, hoàng tộc nhà Trần phải tổ chức một lễ tang lớn.

Để bàn về vị đại vương này, một lời không thể nói hết được. Ví như, tuy trên danh nghĩa Tĩnh Quốc vương là con trưởng của Thái Tông Trần Cảnh (1) nhưng thực tế, thân phụ của ông lại là Khâm Minh vương Trần Liễu (tức anh ruột của Thái tông) và công chúa Thuận Thiên.

Toàn thư có chép lại đại khái rằng:

Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ sáu (tức 1237), Chiêu Thánh hoàng hậu Lý Thiên Hinh vì không có con mà bị phế truất. Khi đó Thuận Thiên đã mang thai Trần Quốc Khang được ba tháng, Thái sư Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực liền bàn kín với Thái Tông là nên mạo nhận mang về, phong làm hoàng hậu.

Vì vụ việc này mà Khâm Minh đại vương đã họp quân ra sông Cái làm loạn nhưng thua trận. Cuối cùng đám loạn quân ấy bị Trần Thủ Độ ra lệnh giết bằng hết, còn Trần Liễu thì được Thái Tông niệm tình, phong làm An Sinh vương. (Phong hiệu Khâm Minh đại vương được truy phong khi ông đã qua đời.)

Thái Tông Trần Cảnh thực tế cũng chẳng hề vui vẻ gì với việc làm của Trần Thủ Độ. Nghe kể lại rằng vua vô cùng áy náy, nửa đêm xuất cung tới núi Yên Tử, không muốn trở về nữa.

Ngài nói với đám triều thần rằng: "Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng nặng nề. Phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc."

Cuối cùng thì Thái Tông vẫn bị Trần Thủ Độ tìm cách đưa về kinh đô.

Sau đó, Thuận Thiên hoàng hậu sinh được Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, Thái tông nhận ông là trưởng tử của mình.

Một màn "cướp chị dâu" vô cùng đặc sắc này khiến về sau Thái Tông bị các nhà sử học như Phan Phu Tiên hay Ngô Sĩ Liên mắng chửi là "nghe lời mưu gian của Trần Thủ Độ", "bỏ cả luân thường", "mở mối dâm loạn".

...

Phạm Vân Phi để ý thấy tôi mặt mày ủ dột, ban đầu còn lân la trò chuyện, thế rồi nhận ra được tôi sẽ không mở miệng tâm sự với con bé nên dứt khoát kéo tôi cùng ra phố, mua sắm vải vóc trang sức các kiểu. Quả nhiên shopping luôn là cách để phụ nữ, dù ở thời đại nào đi nữa, giải toả tâm trạng.

Tôi chỉ thành công từ chối được lần đầu tiên, sau đó bị mẹ lôi vào phòng mắng cho một trận. Bà bảo rằng Nhữ Hài bận rộn triều chính lại không biết cách quan tâm vợ, tôi thân làm chị gái cần phải sẻ chia với em trai mình. Bởi vậy, nhiệm vụ giải sầu cho Phạm Vân Phi rơi vào tay tôi.

Tự dưng lại thấy ngược đời sao ấy nhỉ?

Thật ra tôi tránh tiếp xúc với Vân Phi quá nhiều không hẳn do sợ sự quan tâm quá mức của con bé, mà còn vì cứ ba câu thì chắc chắn Vân Phi sẽ nhắc tới chị gái mình - Huệ phi Phạm Sơ Nguyệt một lần.

Tôi không nhớ là mình có sở thích nghe chuyện về các bà vợ của Trần Thuyên đấy.

Phạm Sơ Nguyệt ban đầu tiến cung làm Chiêu Nghi, đứng đầu cửu tần, sau đó lại được ban phong hiệu Văn Tĩnh Huệ phi, là Đệ nhị cung phi của Trần Thuyên. Nghe cái chức danh "Đệ nhị" đã thấy to rồi, chỉ kém Thánh Bà phu nhân và Huy Tư Hoàng phi mà thôi.

Vân Phi kể rằng trước đây, khi chưa xuất giá thì cứ dăm ba bận con bé lại vào cung một lần để bầu bạn với chị gái. Tính cách của hai chị em Vân Phi - Sơ Nguyệt tương đối giống nhau: đều lạc quan, rạng rỡ và đặc biệt là không chịu thua kém bất cứ ai.

Cung cấm sâu như biển, Vân Phi không ngờ mới sau hơn hai năm tiến cung mà Sơ Nguyệt đã trở thành một Văn Tĩnh Huệ phi trầm tĩnh kiệm lời, không còn cười đùa thoải mái với em gái như xưa nữa.

Trong mắt Phạm Vân Phi, Trần Thuyên là một vị hoàng đế rất đáng sợ. Đại khái do Vân Phi là con gái của tướng quân Phạm Ngũ Lão, lại rất thân thiết với Văn Tĩnh nên Trần Thuyên khá nể mặt, có lần còn gọi cả hai chị em cùng tới cung Quan Triều dùng bữa, thể hiện gia đình thân thiết. Vân Phi đặc biệt để ý tới thái độ dè chừng của chị gái, qua đôi lần quan sát và "học tập" thì cũng nhận thức được rằng ở gần vua như đang đùa với lửa, không cẩn thận thì sẽ bị bỏng bất cứ lúc nào. Do vậy, Trần Thuyên có tươi cười rực rỡ như nắng hạ, tỏ ra quan tâm đến mấy thì con bé vẫn chỉ cảm thấy lạnh run cả người.

Vân Phi không nhận ra mình đang to gan lớn mật "nói xấu sau lưng" hoàng đế, tay lật qua lật lại một dải lụa ngũ sắc rồi ướm lên tóc tôi, nói: "Quan gia rõ ràng đối xử với chị em rất tốt, còn hỏi han giấc ngủ đêm qua như thế nào, ăn uống có vừa miệng không. Nhưng mà... em như thấy được sau nụ cười của Quan gia là hàng loạt đao gươm đang chĩa tới, khiến người ta không thể tiến lại gần."

Con bé vứt dải lụa xuống bàn, nhặt lên một chiếc trâm có màu xanh ngọc: "Đến em còn thấy áp lực như vậy, chị Nguyệt ở trong kia làm sao mà chịu nổi chứ."

Đối với chuyện này, tôi hoàn toàn không biết phải bình luận như thế nào.

Hai mắt Vân Phi đột nhiên sáng như đèn pha, soi sáng hàng vải đối diện, hiện đang vô cùng đắt khách. Tôi nhìn các chị em bạn dì chen lấn bên đó, chỉ dám nuốt nước bọt một cái rồi quyết định ra tay trước khi bị Vân Phi túm áo kéo đi.

Đầu tiên tôi đỡ lấy trán, kêu "úi giời" một tiếng rồi giả bộ muốn xông lên: "Mau, mau xem còn miếng vải nào đẹp không? Ôi sao tự dưng đau đầu thế này..."

Vân Phi tỏ ra vô cùng thấu hiểu, hiên ngang đỡ tôi ra vệ đường, bảo: "Chị đứng đây nghỉ chút đi. Tất cả cứ để em lo."

Con bé vừa mới quay đầu thì đâm sầm vào một thanh niên cao ráo trắng trẻo, đi theo còn có vài người, xem chừng là một nhóm bạn. Tướng mạo của cậu con trai kia cũng gọi là ưa nhìn, nếu Vân Phi chưa lấy chồng thì không khéo đã thành một màn đụng độ giai nhân trong truyền thuyết rồi.

Tưởng như mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp, mỗi người xin lỗi một câu, hoặc giả cao trào hơn một chút khi thanh niên ấy đỏ mặt hỏi quý tính đại danh của Vân Phi, em dâu tôi vội ngượng ngùng từ chối rằng mình đã là gái có chồng. Thanh niên tỏ ra buồn rầu, một mối duyên chưa nở đã tàn từ đây.

Thực tế trước mắt tôi biến hoá khôn lường, tên thanh niên cao ráo kia đã nắm lấy cổ tay của Vân Phi tự lúc nào, miệng thì trêu hoa ghẹo nguyệt hết sức thô bỉ. Đám bạn đứng sau như bị mù, không một ai lên tiếng trước hành vi mất dạy của hắn.

Phạm Vân Phi tuy là con gái võ tướng nhưng từ bé đã được chiều chuộng, bản thân lại chẳng có chút hứng thú tới chuyện đánh đấm nên không khác gì một cô tiểu thư trói gà không chặt. Vành mắt Vân Phi đỏ ửng, sắp khóc oà tới nơi.

Đông Ly định xông lên nhưng tôi đưa tay ngăn lại, võ công của con bé đặc thù, rơi vào tầm mắt của kẻ khác thì rất dễ bị lộ thân phận.

Có Đông Ly bọc hậu, tôi xông tới gần rồi nhảy lên bạt đầu thằng nhãi kia một cái. Hắn bị doạ cho giật mình nên không thể kìm chặt tay Vân Phi như lúc trước, con bé liền chớp thời cơ giật tay lại rồi trốn tiệt ra sau lưng tôi nức nở.

Thanh niên ấy ôm lấy đầu, sầm mặt quay lại, nhận ra người đánh mình chỉ là một đứa con gái liền nổi giận đùng đùng. Nhưng đại khái thằng cha này chỉ là một học trò, động tác chậm chạp, còn chưa kịp chạm tới một sợi tóc của tôi thì đã bị tôi tung một cú sút cực mạnh vào hạ bộ. Hắn ta co rúm người, rên rỉ kêu đau.

Mấy thằng bạn của hắn tuy biết rõ việc trêu ghẹo gái nhà lành là sai trái nhưng không đành lòng nhìn bạn mình bị đánh nên sau khi hội ý liền hùng hổ tiến về phía tôi, kẻ gồng vai lên đe doạ, người bóp khớp tay kêu rắc rắc.

Thôi được rồi, một người tôi còn có thể khống chế nổi, chứ hai, ba tên đàn ông thì đây xin phép.

Tôi bảo Đông Ly cùng Nhã Hồng đỡ Phạm Vân Phi, trong đầu cố gắng nghĩ thật nhanh kế thoát thân.

Ôi, đúng là trước giờ tôi đã quá kiêu ngạo, dưới gầm trời này không để ai vào mắt nên mới hành động hấp tấp thế này. Đáng ra chỉ cần chen vào giữa Vân Phi và thằng biến thái kia là đủ, sao còn ra tay đánh người làm gì! Nhỡ đâu hắn còn là con ông cháu cha nữa thì toi cả lũ.

"Không biết Kiểm Pháp quan sẽ xử lý kẻ quấy rối phụ nữ ra sao nhỉ?" Một chàng trai trẻ tuổi từ sau đám thanh niên kia bước tới, vừa đi vừa phe phẩy quạt như thể đang thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình.

Đám thanh niên khựng lại, nhìn nhau hoang mang.

Người vừa mới xuất hiện nhìn qua đã biết là kẻ có quyền, thậm chí đến tên hầu đi sau cũng có tướng mạo không tầm thường. Thấy hắn thể hiện rõ ràng mình đứng về phía tôi, đám thanh niên cân nhắc thiệt hơn một hồi rồi cũng cụp đuôi, chạy tới đỡ thằng nhãi biến thái kia dậy cút thẳng.

Tôi mỉm cười khó xử: "Cảm ơn nhé, chúng tôi..."

Người con trai nhướn mày, tỏ ra ngạc nhiên: "Tiểu thư Niệm Tâm khách sáo thế?"

Hử?

Trông gương mặt này có nét quen thuộc đấy, nhưng trong chốc lát tôi lại không thể móc ra được chút ký ức nào về hắn cả.

"Để ta đưa hai chị em về, cẩn thận vẫn hơn." Hắn ta gấp quạt lại, đưa ra lời đề nghị vô cùng thật lòng.

Tôi khẽ liếc Đông Ly, thêm một lần không thể giải mã được được khẩu hình nhắc bài của của con bé. Sau này nhất định phải cùng nó ôn luyện một khoá nhìn miệng đoán từ mới được.

Hai chị em cùng Đông Ly, Nhã Hồng gặp phải chuyện xui xẻo, không còn hứng thú đi shopping nữa nên đành đồng ý cùng người kia quay về.

"Chính ngôn Trung Đế?" Tôi thăm dò.

Hắn cười vang: "Không ngờ tiểu thư lại quên ta nhanh tới vậy."

Ôi chao, là Đỗ Trung Đế - con trai của Trần Khắc Chung. Hoá ra tôi lại quên béng mất mặt hắn trông như thế nào. Thật là...

"Xin lỗi Chính ngôn... đầu óc tôi không cho lắm." Mới khoảng nửa năm trôi qua từ lần đầu gặp mặt, trí nhớ tôi tệ quá.

Đỗ Trung Đế chỉ cười, xua tay cho qua chuyện.

Mà nghĩ kỹ thì việc này đâu hoàn toàn là do tôi. Nhớ lại lần ấy, không biết vì mục đích gì mà tên Đỗ Trung Đế này làm màu khủng khiếp, vì thế mà ấn tượng tôi dành cho hắn cũng cực kỳ xấu. Cân đo đong đếm, người như hắn tôi chẳng thèm để tâm, về nhà là quên ngay lập tức.

Hôm nay gặp lại, Trung Đế như biến thành một con người khác. Hắn không còn những cử chỉ đùa giỡn mà tác phong vô cùng đĩnh đạc, nói năng lịch sự, hoà nhã dễ gần.

Chỉ tiếp xúc qua, tôi thật sự không thể đoán được đâu mới là tính cách thật của Đỗ Trung Đế.

Quân Trì từng nói hắn ta nổi tiếng đào hoa, chuyên chặn đường làm quen với các thiếu nữ xinh đẹp. Nhưng liệu đó có phải là cách mà hắn cố tình thể hiện, để người ngoài nhìn vào mà tự gắn cho hắn cái mác "phong lưu" hay không?

Vẫn là suy nghĩ như trước đây: Đỗ Trung Đế này không hề đơn giản. Tôi nhất định phải chú ý tới hắn hơn mới được.

Đỗ Trung Đế đưa tôi và Vân Phi về tới trước phủ, nhẹ nhàng bảo: "Tiểu thư không nhớ diện mạo của ta cũng là điều tốt. Ít ra nàng có thể quên đi chuyện cũ, không vì nó mà ảnh hưởng tới suy nghĩ của chính mình."

Nói xong mỉm cười, phất áo bỏ đi.

Hừm, sao nghe trong lời nói của hắn là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, không hề 'ý tại ngôn ngoại' nhỉ?

...

Tâm trạng tôi theo từng ngày trôi qua, càng lúc càng trở nên bức bối.

Trần Thuyên và tôi đã không gặp nhau gần bốn tháng trời. Chẳng biết anh giờ ra sao, còn tôi thì hoàn toàn không có một chút tin tức gì về anh cả.

Bốn tháng không dài, nhưng cũng không hề ngắn ngủi. Nếu chỉ là chút tình cảm bạc bẽo, e là đã đủ để trôi sạch theo gió mà biến mất.

Thứ cảm giác nặng nề trong lòng tôi chưa khi nào vơi bớt, nỗi mong nhớ được trông thấy Trần Thuyên mỗi ngày càng dâng lên nhiều hơn. Thế nhưng vị hoàng đế kia lại cực kỳ tuân thủ "giao kèo" giữa tôi và anh, thậm chí còn dọn sạch đường đi lối bước để tôi rảnh rang mà suy nghĩ.

Ấy thế mà vẫn chẳng đâu vào đâu, đầu óc cứ thẩn thơ suy nghĩ đến lúc cùng anh luận bàn vụ án mà thôi.

"Tâm đấy hả con, mau vào đây." Trinh Túc phu nhân đang ngồi ở sảnh chính, thấy tôi bước vào liền vui vẻ đứng dậy.

Tôi vội đỡ tay bà, không quên nhún chân, ngoan ngoãn đáp: "Bái kiến phu nhân, dạo này người vẫn khoẻ chứ ạ? Phải lo cho lễ thành hôn của em trai nên tới giờ con mới đến thăm Vương và phu nhân, mong người đừng trách ạ."

Chiêu Văn vương và vợ là Trinh Túc phu nhân vẫn trú tại kinh thành Thăng Long từ năm ngoái tới giờ, chưa một lần trở về thái ấp Văn Trinh. Chỉ có hai vợ chồng lủi thủi ở Chương Đức viên, con cái cháu chắt đều ở lại Văn Trinh cả nên có hơi cô quạnh.

Đúng ra tôi chỉ có quen biết với Chiêu Văn vương mà thôi. Cuối năm ngoái là lần đầu tiên tôi được gặp Trinh Túc phu nhân, con gái bà là quận chúa Thánh An cũng vừa mới được gả tới Vạn Kiếp không lâu trước đó. Thêm Chiêu Văn vương hết lòng khen ngợi, không biết thế nào lại gắn thêm cái mác thân thiết với Thánh An nên Trinh Túc phu nhân vô cùng yêu quý tôi, thi thoảng lại gọi tới bầu bạn, an ủi bà thay người con đã xuất giá.

Trinh Túc phu nhân khoảng hơn bốn mươi tuổi nhưng rất biết cách giữ gìn, da dẻ mịn màng, nhìn qua tưởng chỉ mới ba lăm tuổi. Bà và Chiêu Văn vương tự gọi nhau là một cặp vợ chồng già, tuy không có những cử chỉ ân ái nhưng mọi quan tâm săn sóc đều được thể hiện rõ qua mọi hành động. Tôi nhìn vào mà ngưỡng mộ, chỉ mong về sau cũng được hạnh phúc như bà.

Phu nhân mỉm cười hiền từ, bảo tôi: "Vương đang ở sau vườn, con mau ra đó đi. Ta xuống bếp xem chúng nó làm những gì, hôm nay có khách quý không thể xuề xoà được."

Tôi đã quen với việc được bà chiều chuộng, không tốn thời gian tỏ ra khách sáo xã giao mà trực tiếp cảm ơn Trinh Túc phu nhân, sau đó cùng Đông Ly vòng qua sảnh chính, đi tới khu vườn đầy cây cỏ của Chương Đức viên.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đang ngồi khoanh chân trên chõng tre, đôi mắt khép hờ, phảng phất như không để tâm tới bất cứ chuyện gì trên thế gian này.

Tương truyền, kiếp trước của Chiêu Văn vương không phải là người phàm.

Toàn thư có chép:

Đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua (tức Thái Tông). Đọc sớ xong tâu vua: "Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ".

Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ "Chiêu Văn đồng tử", nét tử rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (Tức là Nhật Duật). Lớn lên, nét chữ mới mất đi.

Đến năm Nhật Duật bốn mươi tám tuổi, bị ốm hơn một tháng, các con ông làm chay, xin giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha. Đạo sĩ đọc sớ xong, đứng dậy nói:

"Thượng đế xem sớ xong, cười bảo: 'Sao hắn quyến luyến trần trục muốn ở lại lâu thế, nhưng các con hắn thực lòng hiếu thảo, cũng đáng cho. Thôi cho thêm hai kỷ nữa.'"

Bệnh liền khỏi. Sau Nhật Duật mất, thọ bảy mươi bảy tuổi, thế là được đủ sáu kỷ lẻ năm năm.

Tôi trông ông không có vẻ gì là biết có người đang đến gần, rất biết điều mà dẫn Đông Ly ra một góc cách đó không xa để tránh làm phiền.

Sân vườn trong Chương Đức viên có đủ thứ hoa thơm cỏ lạ. Ngay vị trí đặt chõng tre của Chiêu Văn vương được dựng một dàn dây leo, lá mọc chi chít, chỉ để lọt dù một vài tia nắng rất lạt xuống chỗ người đang ngồi.

Chiêu Văn vương vẫn lim dim, mà tôi cũng dần khép đôi mắt lại, tựa người vào cột đình rồi trôi thả dòng suy nghĩ miên man.

Dù là nhớ về cuộc sống của thế kỷ hai mốt, tiếc nuối cho tuổi hai mươi hai dở dang, thì tất cả suy tư của tôi cũng sẽ thu về một mối - Trần Thuyên.

Bốn tháng không gặp, nhưng vì sao tôi vẫn có thể nhớ như in hương trà nhàn nhạt vương trên áo anh tới vậy nhỉ?

Người bảo sông Tương sâu

Tương tư sâu gấp bội

Sông sâu còn có đáy

Tương tư chẳng bến bờ. (2)

"Niệm Tâm đã bao giờ thiền chưa?"

Chiêu Văn vương đã mở mắt từ khi nào, đang nhìn về phía tôi đứng mà tủm tỉm cười.

Tôi vui vẻ: "Con xin được bái kiến Vương ạ! Con trẻ người non dạ, không thể tịnh tâm nổi như Vương đâu."

Ông ra hiệu cho tôi lại gần, lại dặn đám hầu chuẩn bị ít trà bánh đón tiếp.

Tôi rót trà vào chén, nghe Chiêu Văn vương dạy bảo: "Thích Ca Văn phật vào núi Tuyết Sơn, ngồi ngay ngắn trong sáu năm, chim bồ câu làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế mà thân tâm vẫn bình thản. Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, lòng như tro nguội. Nhan Hồi ngồi quên, chân tay rời rã, thông minh dẹp bỏ, lìa xa cả trí cả ngu để hoà chung với đạo lớn. Ba bậc thánh hiền của tam giáo đời xưa đó đều nhờ ngồi định mà có thành tựu." (3)

Đoạn, ông quay sang tôi nói: "Ta trông con như có nhiều phiền muộn quấn thân. Nên dành thời gian học cách thiền cho thanh tịnh tâm trí."

Quả là một người đã kinh qua hết thảy mưa bão của cuộc đời, chỉ nhìn sắc mặt tôi mà đã nói trúng tim đen ngay lập tức.

Tôi xấu hổ đáp: "Khi xưa con từng thử thiền, nhưng chỉ ngồi một lát mà đã ngứa ngáy hết chân tay rồi ạ."

Chiêu Văn vương liền cười ha hả: "Đi, đứng, nằm, ngồi cũng đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi. Tuy vậy, chỉ vì khi đi thì thả bước, đứng thì sinh mệt, nằm thì mờ tối mà yên tĩnh. Yên tĩnh thì nỗi lo nảy sinh; nỗi lo nảy sinh thì ý nghĩ trỗi dậy. Cho nên muốn dập tắt mọi ý nghĩ thì phải tập ngồi định." (4)

Nghe vậy, tôi chỉ cúi đầu không đáp.

Đã là cuối xuân, nắng yếu ớt đậu trên phiến lá xơ xác, nằm lặng yên bên cạnh chén trà đang bốc hơi nghi ngút.

Không phải tự nhiên mà tôi lại yêu quý Chiêu Văn vương, cứ lâu lâu lại chạy qua Chương Đức viên để được hàn huyên với ông.

Tính cách Trần Nhật Duật vô cùng dễ chịu, không hề để ý tới mấy cái gọi là lễ giáo khuôn phép. Chỉ cần tôi tâm sự về bất cứ vấn đề gì, ông đều có thể đưa ra cách giải quyết trong vòng một nốt nhạc.

Nhưng mà... tôi sao có thể hỏi Chiêu Văn vương về đứa cháu đang tại vị của ông?

Chiêu Văn vương từ tốn nhấp một ngụm trà, gương mặt dãn ra như đang thưởng thức một thứ nước ngon không gì sánh bằng.

"Mới ngồi với ta một lúc mà con nhóc nhà ngươi đã thở dài tới lần thứ ba rồi. Sao nào, không định mở miệng nói với ông già này một câu hả?"

Tôi liền bối rối: "Dạ... chuyện nhỏ... con không dám làm phiền tới Vương đâu ạ."

Chiêu Văn vương cười vang: "Giờ mới biết khách khí với ta à?"

Gãi đầu gãi tai một lúc, tôi khó khăn lắm mới dám mở miệng: "Chẳng là... con... con vô cùng thích một thứ nhưng lại suy nghĩ quá nhiều, không biết nên làm gì cho phải."

"Con nhóc này học ở đâu cách nói chuyện vòng vo thế?" Chiêu Văn vương nheo mắt nhìn tôi. "Ta biết thừa."

"Dạ?" Tôi hốt hoảng, thầm nghĩ tiêu rồi.

Ông khẽ nhắm mắt, nhẹ giọng bảo: "Rõ ràng ngày tháng trăm năm chỉ là phút chốc. Cái ảo thân tứ đại há được dài lâu? Đầu xanh chưa mấy mà tóc bạc sớm pha, người mừng vừa qua mà kẻ viếng cũng tới. Nay ta mượn lời của Thái Tông khi xưa để khuyên con, mọi chuyện xảy ra luôn có duyên cớ, hãy xuôi theo dòng nước mà đi." (5)

Thảng thốt như nuốt từng lời mà Chiêu Văn vương vừa nói, cả thân thể lẫn tâm trí tôi bỗng nhẹ bẫng.

Phải rồi.

Tháng ngày vẫn qua đi như mây trôi nước chảy, mặc dù thế gian này có muôn vàn đổi thay... Mười năm trước tôi và Trần Thuyên đã có duyên gặp gỡ, theo vận mệnh xoay vòng mà một lần nữa trùng phùng tại nơi đây.

Anh đã luôn cố gắng để tiến lại gần tôi, vì sao tôi không thể vì anh mà bước thêm một bước?

...

Ngay đêm hôm đó, Đông Ly thay tôi vào cung gặp Trần Thuyên, chuyển lời rằng tôi mong muốn được gặp Quan gia một lần. Con bé kể Quan gia nghe xong không có biểu hiện gì đặc biệt, chỉ phẩy tay cho nó lui.

Tôi ngẩn người bên bậc cửa, nghe tiếng loài chim nào đó không rõ tên đang hót véo von.

Không lẽ... Trần Thuyên đã thay lòng?

Ngần ấy thời gian đã đủ để anh quên đi một Niệm Tâm bướng bỉnh lắm điều, nhận thấy rằng trở về với hậu cung xinh như mộng lại biết nghe lời sẽ là điều tốt hơn cả?

Tôi tự trách mình đã quá vội vàng, không bảo Đông Ly đi thăm dò thái độ của Trần Thuyên trước rồi mới quyết định có thổ lộ hay không.

Thôi, không sao cả. Dù thế nào thì đó cũng là hoàng đế Đại Việt, tôi đâu hề bị mất mặt. Phải không?

Thêm vài ngày trôi qua, đến Đoàn Nhữ Hài dường như cũng tránh mặt tôi, hầu hết thời gian đều ở lại cấm cung đến đêm muộn mới về. Điều này khiến cô em dâu Vân Phi vô cùng buồn bã, không thèm bám lấy tôi nữa mà dành hết thời gian đi theo mẹ và Dư Nương học cách quản gia.

Tôi ở nhà tương đối rảnh rỗi, thường ngày không ngắm hoa thì cũng cầm đá ném lên cây đuổi chim chóc, trong bụng lúc nào cũng râm ran như kiến bò.

Không thể chạy sang phủ họ Đỗ than ngắn thở dài với mẹ bỉm Đỗ Chi, càng chẳng dám vác cái mặt mo này đến làm phiền Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân quá nhiều, tôi nghe nói họ đang được Quan gia trao cho trọng trách, vô cùng bận rộn.

Đông Ly không chịu nổi việc tôi cả ngày nằm phơi thây ở chõng tre ngoài vườn, cuối cùng đành dùng hết vũ lực mà lôi tôi ra phố dạo chơi cho đầu óc khuây khoả.

Nói thật là tôi chẳng có tí tâm trạng nào mà lượn mới cả lờ, nể mặt Đông Ly lắm mới chịu xỏ giày vào đấy.

Con bé nhìn ngắm gương mặt tôi một hồi rồi hét lên: "Trông cô cả xơ xác như chiếc lá ngoài kia quá!"

Tôi lườm nó: "Kệ ta. Không đi nữa bây giờ."

Đông Ly liền im bặt, không dám ho he thêm câu nào.

Mùa hạ ung dung tràn đến từng ngõ ngách trong kinh thành Thăng Long, phủ lên những mái ngói trên cao một lớp màu óng ả của nắng chiều. Tay khẽ đưa lên, tôi như sắp nắm được cơn gió nhẹ từ đâu ùa tới, mang theo hương sen tươi mát thoang thoảng.

Yểu điệu hoa đường trú ảnh trường,

Hà hoa xuy khởi bắc phong lương.

Viên lâm vũ quá lục thành ác,

Tam lưỡng thiền thanh náo tịch dương.

Có nghĩa:

Thềm hoa xinh đẹp bóng ngày dài,

Song bắc mùi sen gió thoảng bay.

Mưa tạnh vườn cây màn biếc rủ,

Tiếng ve chiều tối rộn bên tai.

(Hạ cảnh - Trần Thánh Tông. Dịch thơ:)

Bất tri bất giác, hồ Nhật Thịnh quen thuộc đã hiện ra phía trước.

Mặt hồ đầu hạ xanh như ngọc, lại có vầng dương thả bóng lấp lánh khiến người ta không cách nào dời mắt, chỉ muốn đứng trân một chỗ mà ngắm nhìn.

Tôi khẽ nheo mắt ngước lên, mặt trời hôm nay dường như không giống như mọi ngày. Vài đụn mây trắng thả hồn trôi đến, từ từ che lấp đi sắc cam dị thường.

Từ trong lồng ngực dâng lên một nỗi lo lắng không tên, cả người tôi hơi chao đảo.

"Niệm Tâm."

Khi đã định thần, nụ cười dịu dàng bên khoé môi Trần Thuyên như phát sáng, khiến cả thân hình anh trở nên mờ ảo trước mắt tôi.

"Ôi mẹ ơi."

Tôi bị doạ cho nhảy dựng, theo quán tính liền ngã ngửa về phía sau. Nói thì chậm mà chuyện xảy ra rất nhanh, Trần Thuyên thoắt cái đã nắm lấy cổ tay tôi kéo trở lại. Trán tôi đập vào cằm anh, hai đứa mỗi bên ôm một chỗ, đồng thanh kêu lên: "Ối chao!"

Hương trà thoảng qua, dần trở nên rõ rệt hơn trong ký ức của tôi.

Trần Thuyên xoa xoa cằm, giả vờ trách móc: "Nàng cứ như nhìn thấy quỷ ấy!"

"Ai bảo Quan gia tự dưng nhảy ra giữa đường, dọa tôi sợ chết khiếp." Tôi bĩu môi.

Anh liền cãi: "Ta đứng ở trước mặt nàng một lúc rồi nhưng... thôi được thôi được, là ta sai."

Đương nhiên Trần Thuyên hiểu được tranh cãi với tôi lúc này không phải là điều khôn ngoan.

Anh khẽ nắm lấy tay tôi, từng ngón tay mát lạnh dịu dàng miết nhẹ.

Vẻ mặt Trần Thuyên hớn hở như đứa trẻ con vừa mới thả con diều bay tít trên trời cao, anh thì thầm: "Đi nào."

Hồ Nhật Thịnh chiều nay không một bóng người, hẳn là tác phẩm của Trần Thuyên.

Một con thuyền cỡ vừa đang đậu ở gần đó, không được sơn son thếp vàng nhưng lại vô cùng phù hợp với khung cảnh mơ màng của một buổi chiều mùa hạ.

Trần Thuyên đỡ tôi lên, lại tự tay chèo thuyền, trong chốc lát đã đưa chúng tôi ra giữa hồ. Thành An và Đông Ly ở lại bên đình nghỉ mát, tôi còn thoáng trông thấy con bé giơ ngón tay cái lên với mình, vui mừng khôn xiết.

Trên thuyền chuẩn bị sẵn một vò rượu hoa cúc nhưng vị rất lạt, dường như không nặng lắm. Trần Thuyên gác tay chèo, nhẹ nhàng giằng lấy vò rượu từ tay tôi rồi bảo: "Để ta."

Hương rượu thơm vấn vít quanh chóp mũi, bao lời chất vấn vốn đầy trong tâm trí dần rơi hết xuống lòng hồ xanh thắm. Tôi nhìn Trần Thuyên, đôi mắt hoa đào ngày nào giờ đây hoà nhã và dịu dàng như ánh trăng vừa mới ló mình ra khỏi mây mù.

Không hỏi, không giải thích. Hai chén rượu khẽ cụng, tôi và Trần Thuyên dường như đã hiểu thấu đối phương muốn nói điều gì.

Từ đầu đến cuối, cả hai đều phải chờ đợi, mong mỏi được giãi bày.

Anh khẽ gạt thứ gì đó trên vai áo tôi, cười nhẹ: "Thì ra người phải nếm trải sự bức bối vì không được gặp gỡ... không chỉ có mình ta."

Trái tim run lên, bản năng của tôi là chối bỏ. "Quan gia nói gì... tôi không hiểu."

"Đến lúc này mà nàng vẫn còn gọi ta là Quan gia?"

Tôi liền cười rộ lên: "Vậy thì bệ hạ, thánh thượng, hoàng đế?"

Trần Thuyên giận quá hoá cười: "Nào ai dám hỗn láo như nàng!"

Mày vừa cong lên đã lại dịu xuống, gương mặt anh hiền hoà, ánh mắt chăm chú đặt lên tôi như sợ tôi biến mất bất cứ lúc nào.

"Phải rồi." Trần Thuyên búng tay một cái. "Ta mang thứ này đến cho nàng." (6)

Nói rồi anh liền chui vào trong, lúi húi tìm vật gì đó.

Trần Thuyên vừa rời khỏi mạn thuyền, trời đột ngột nổi gió. Chén rượu từ trong tay tôi rơi xuống vỡ tan.

Chỉ cần hơi di chuyển ánh nhìn là tôi đã có thể thấy vầng tịch dương đã chuyển sang thứ màu cam nồng đậm khó tả, bao quanh nó là một vòng tròn lớn đang rung động dữ dội. (7)

Cảnh vật phía trước trở nên nhập nhằng, mắt tôi hoa lên.

Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ: Phải ở bên Trần Thuyên.

Sau đó, tôi nghe tiếng anh gọi tên tôi.

Cả người tôi chìm trong dòng nước lạnh băng, không hề có chút nào ấm áp như tôi tưởng tượng. Điều cuối cùng tôi trông thấy là ánh nhìn hoảng hốt của Trần Thuyên, mà ngay sau đó anh cũng không ngần ngại mà lao xuống theo.

Ngay khi cảm nhận được vòng tay của anh ôm lấy thân mình, mọi thứ lập tức tối sầm lại.

...

Dường như tôi ngất không lâu lắm, tai vẫn nghe rõ tiếng huyên náo xung quanh.

Ôi Trần Thuyên đáng thương của tôi, không biết cảnh tượng mười năm trước có xuất hiện trở lại mà doạ dẫm anh thêm lần nào nữa không đây.

Có ai đó đang léo nhéo trách móc, rõ ràng là giọng điệu của thằng nhóc Đoàn Nhữ Hài rồi. Hay lắm em trai, dám lớn tiếng lên án hoàng đế, xứng với chức vụ Ngự sử Trung tán đấy!

"Nhữ Hài... lấy tôi cốc nước." Tôi thều thào, hai mắt nặng trĩu không tài nào mở ra được.

Tiếng người im bặt, mãi một lúc sau mới thấy cất lên: "Ngự sử Trung tán miệng hôi mùi sữa... Đoàn Nhữ Hài á?"

"Ừ... cái gì vậy trời... cậu đang tự chửi mình đấy à?" Tôi thấy hơi tức cười, trước mắt dần dần có một khe sáng lọt vào.

Giọng của người con trai hơi nghẹn lại: "Tâm... Tâm nhìn xem em là ai?"

Tuy có hơi mờ ảo nhưng dáng người nhỏ bé đã bắt đầu rõ nét hơn đôi chút. Dây thần kinh giật giật, tôi thấy đầu đau như búa bổ.

Hử, Bách Chu à?

Khoan đã... áo phông trắng có hình Levi của Attack on Titan...

Đạt?

- --------------

(Vài ngày trước)

Đoàn Nhữ Hài vừa xuất cung, hiện vẫn chưa tiêu hoá hết những gì hoàng đế vừa mới ra lệnh cho cậu.

Hoàng đế bảo: "Tạm thời khanh chớ tiết lộ với Tâm, trẫm muốn làm cho nàng bất ngờ."

Dẫu sao cậu cũng đâu có biết điều bất ngờ mà hoàng đế dành tặng cho chị gái cậu là gì, sao có thể nói ra được cơ chứ.

Một bên là chị gái hờ, một bên là người bảo vệ cho cái đầu của cậu, Đoàn Nhữ Hài đương nhiên phải lựa chọn ông chủ của mình rồi. Bởi vậy, cậu tìm cách tránh Niệm Tâm nhiều nhất có thể.

Nhữ Hài sợ rằng mình sẽ đi ton hót với chị gái rằng ngay sau cái đêm mà Đông Ly tiến cung, hoàng đế dù mang đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ nhưng lại không thể giấu đi sự vui mừng hiển hiện, thiết triều mà cứ tủm tỉm cười mãi không thôi.

Cậu cũng biết bản thân mình sẽ không thể thể giấu được việc mỗi lần vào chầu riêng với hoàng đế, câu đầu tiên mà cậu phải nói không phải là báo cáo về tình hình công việc mà sẽ là: "Niệm Tâm vẫn khoẻ."

Ôi, rõ ràng là một vị hoàng đế thâm trầm, mưu toan đập hết vây cánh của nhà ngoại không chút kiêng nể... Vậy mà đứng trước một cô gái không được bình thường cho lắm thì lại hoá thành trẻ con?

Đoàn Nhữ Hài không hiểu, và cũng không dám hiểu, chỉ đành răm rắp nghe theo mà thôi!

- --

(Hết Quyển 1)

- ---------

(1) Để mình chú thích một chút về thứ tự các vị vua nhà Trần cho bạn nào không rõ:

Thái Tông Trần Cảnh (hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần) -> Thánh Tông Trần Hoảng -> Nhân Tông Trần Khâm -> Anh Tông Trần Thuyên (vị vua thứ tư của hoàng triều Trần) -> Minh Tông Trần Mạnh -> Hiến Tông Trần Vượng -> Dụ Tông Trần Hạo -> Nghệ Tông Trần Phủ -> Duệ Tông Trần Kính -> Trần Phế Đế Trần Hiện -> Thuận Tông Trần Ngung -> Thiếu Đế Trần Án

(2)

Nhân đạo Tương giang thâm

Vị để tương tư bạn.

Giang thâm chung hữu để,

Tương tư vô biên ngạn.

Dịch thơ:

Người bảo sông Tương sâu

Tương tư sâu gấp bội

Sông sâu còn có đáy

Tương tư chẳng bến bờ.

Trích bài thơ Trường tương tư - Lương Ý Nương (thời Ngũ Đại bên Trung Quốc).

Dịch thơ: Vũ Ngọc Khánh

(3) (4) Trích Toạ Thiền Luận (Bàn về ngồi thiền) của Trần Thái Tông. Dịch nghĩa: Đỗ Văn Hỷ, Băng Thanh

(5) Trích Phổ khuyến phát bồ đề tâm (Rộng khuyên mọi người mở lòng bồ đề) của Trần Thái Tông. Dịch nghĩa: Đỗ Văn Hỷ, Băng Thanh

(6) Không có chú thích. Chỉ muốn đố mọi người xem Trần Thuyên mang gì cho Niệm Tâm nào? =))

(7) Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:

Canh Tý, [Hưng Long] năm thứ 8 [1300], (Nguyên Đại Đức năm thứ 8).

Mùa hạ, tháng 4 (không chép ngày), mặt trời rung động.

Truyện convert hay : Đoàn Sủng Tiểu Làm Tinh Trọng Sinh Thành Mãn Cấp Đại Lão

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện