Hoa Tư Dẫn

Chương 35


trước sau

Công Nghi Huân nói cô chỉ muốn biết những phần đẹp đẽ trong quá khứ, xem ra đây không phải là người hay suy nghĩ, thật tiếc là không thể giới thiệu cho Quân Vỹ.

Có một số người nghĩ nhiều làm ít, còn những người chỉ biết cắm cúi làm việc suy nghĩ thường đơn thuần. Nghe các gia nhân nói sau lưng, hai năm nay Công Nghi Huân làm khá nhiều, bất luận là việc gì chung quy là làm không ít việc, có thể thấy cô là người ít suy nghĩ. Thực ra con người ta sống trên đời, bất luận làm nhiều hay ít, chỉ cần cảm thấy niềm vui trong đó là được, khi người ta vui, thế giới của người đó sẽ vui, những người trong thế giới của họ cũng vui, mỗi người đều có thế giới của mình, những người có duyên với nhau, thế giới của họ mới có một phần trùng nhau. Tôi nghĩ, Công Nghi Huân đến tìm tôi nhờ giúp là muốn tìm phần thế giới trùng với thế giới của Công Nghi Phỉ.

Đêm trăng tròn, Công Nghi Huân vẫn y phục trắng muốt một lần nữa đến ngôi tiểu viện dành cho khách trong biệt viện của Công Nghi gia gặp tôi. Nghe nói đêm nay bên ngoài chính đường sẽ có yến tiệc mừng tiết hoài nguyệt, có lẽ sẽ không ai quấy rầy chúng tôi. Gia nhân để một chiếc giường dưới giàn nho trong sân, những chùm nho xanh trĩu quả lủng lẳng, tựa như vô số chiếc bình phỉ thúy màu xanh, ánh trăng lạnh êm đềm lọt qua kẽ lá nho chiếu trên chiếc giường trải tấm nệm mỏng và bức bình phong nhỏ vẽ cành hoa che phía trước.

Vừa sắp đặt xong, bóng áo trắng thanh nhã của Công Nghi Phỉ đã xuất hiện ở cổng viện. Chàng ta dừng lại nhìn Công Nghi Huân, không tỏ thái độ gì: "Tìm mãi, thì ra tỷ ở đây".

Công Nghi Huân bước lên mấy bước lại dừng lại, bóng đổ dài dưới trăng.

Công Nghi Phỉ lạnh nhạt liếc nhìn cô, ánh mắt di chuyển đến tôi, đôi mắt đào hoa như nước mùa thu tươi cười: "Gia tỷ đã thân thiết với Quân cô nương, vậy tối nay xin nhờ cô nương chăm nom dùm, đừng để tỷ ấy ra khỏi nơi này".

Tôi băn khoăn nhìn chàng ta, không biết là ý gì, còn chàng ta đã quay đi, được một đoạn lại dừng: "Chuyện năm trước tôi không muốn lại xảy ra".

Công Nghi Huân nãy giờ không nói gì, quay người đi đến bên giường, tôi hiếu kỳ: "Năm trước đã xảy ra chuyện gì?".

Cô khép áo nằm lên giường, lạnh nhạt: "Không có gì, các nhà quyền quý mời khách đến dự tiệc mừng tiết hoài nguyệt, có lẽ cô cũng nghe nói".

Quả là tôi có nghe, các bậc công hầu khanh tướng, thế gia thường tổ chức yến tiệc trong đêm trăng tròn, nói một cách văn hoa nho nhã là ngắm trăng uống rượu hát ca, nhớ những ngày qua, vân vân, thực ra là một hình thức xã giao hưởng lạc, ca kỹ mua vui trong yến tiệc mọi người đều có thể tùy ý trêu đùa hành lạc. Cửu Châu tồn tại đến nay để lại không ít lề thói phong lưu, tiết hoài nguyệt là một trong số đó.

Tôi ngồi lại gần giường, cô nhắm mắt, lạnh lùng nói tiếp: "Trong tiệc đó của Công Nghi gia năm ngoái, gia chủ các nơi đến dự rất đông, tôi đi dạo bên ngoài, gặp hai vị khách say, bị tưởng nhầm là ca kỹ mua vui trong yến tiệc".

Tôi xê dịch bức bình phong che gió: "Sau đó thì sao?".

Tay ôm trán, vẻ mệt mỏi, giọng cô lại bình thản rất mực: "Sau đó ư? Tôi lấy của mỗi người một cánh tay".

Tôi tròn mắt: "Sao?".

Cô nói: "A Phỉ rất giận, cơ hồ việc gì tôi làm cũng khiến đệ ấy giận, có lẽ tôi bị hai kẻ đó khinh bạc đệ ấy mới không giận?".

Tôi nghĩ, nói: "Có lẽ, chàng ta giận là bởi vì họ dám khinh cô".

Cô nhấc tay khỏi trán, mở mắt, lạnh lùng nhìn tôi: "Tôi không còn tin những lời như thế nữa".

Mây che lấp mặt trăng, hoa rơi lả tả, trong tiếng đàn êm êm như tiếng nước, Công Nghi Huân dần dần thở đều, có lẽ đã ngủ. Tiếng đàn này không phải là Hoa Tư điệu, chỉ có tác dụng ru ngủ.

Bóng ma phiêu du bên ngoài quy luật thời gian thực ra không có Hoa Tư điệu lấy tính mạng làm nhạc phổ, tôi không cần mạng của một con ma, cô không trả được cái giá đắt như thế, thực ra tôi cũng không dệt được Hoa Tư mộng của cô. May có ký ức được phong ấn trong hai hạt trân châu chính là đôi đồng tử trong mắt, cũng may nguyện vọng của cô chỉ là muốn tôi nhìn giúp những ký ức được phong ấn trong đó. Đối với bóng ma, tinh thần có trước thân xác ký gửi, sự kết hợp giữa tinh thần và thân xác ký gửi cũng giống như sự kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần và thể xác của con người, nhưng đối với bóng ma, tinh thần chứa những ký ức tàn dư không bị trói buộc bởi thân xác mà nó nương náu, dễ tách khỏi thân xác đó, cũng dễ bị nhìn trộm.

Năng lực dùng Hoa Tư dẫn thôi động ý thức tự thân của nó, nhìn thấu tinh thần đó của chủ nhân viên giao châu được gọi là ảo chi đồng. Trong điều kiện đối phương tinh thần bình ổn, khỏi nói chỉ bị phong ấn, cho dù ký ức được bảo mật đến đâu, ảo chi đồng cũng có thể đọc được.

Đương nhiên chuyện đó không hay lắm, nhìn chung tôi không đi đọc ký ức của một con ma. Chủ yếu là vì lớn bằng ngần này, tôi vẫn chưa từng gặp ma. Giả sử Mộ Ngôn là một con ma, hàng ngày nếu rỗi rãi tôi đọc ký ức của chàng xem chơi.

Tôi nhắm mắt, trước mắt một dải ánh sáng luân lưu. Cát, sỏi mù mịt, cây xanh khô héo, phong cảnh thê lương loang loáng vút qua trước mắt. Trong khe suối lạnh quạ hoang lượn lờ, trong chớp mắt, một chùm tia sáng bùng phát như sao rơi. Bên tai có tiếng mưa lắc rắc, tầm mắt đột nhiên rộng mở. Nhìn thấy phía trước sơn môn huy hoàng một bức rèm châu ngũ sắc, mấy phiến đá xanh, cô gái áo trắng đón chiếc vòng ngọc màu đen trong tay chàng trai áo trắng, chiếc ô hơi nâng lên, một khuôn mặt trắng như tuyết không thần sắc.

Đó là Khanh Tửu Tửu, cũng là Công Nghi Huân, thì ra quả nhiên đây là cảnh họ lần đầu quen nhau.

Hình ảnh nhìn thấy đêm đó lần lượt lướt qua trong đầu, thầm nghĩ, nên tiết kiệm thời gian, phảy những giọt nước mưa bám trên người, quả quyết lướt qua chi tiết đó đi nắm bắt ý thức đoạn tiếp theo, vừa chớp mắt, mở ra, bàng hoàng bước vào một màn đêm mịt mùng vô tận.

Tôi hơi sợ, nắm chặt ống tay áo, Mộ Ngôn không có ở đây, không có ai để bám vào.

Khi mắt đã nhìn thấy vạn vật trong bóng tối, tôi cũng không căng thẳng nữa, sau một tiếng động cực nhẹ, ánh đèn chớp lóe, cuối cùng nhìn thấy ánh sáng từ dưới đất từ từ dâng lên, bên tai có tiếng hát văng vẳng, trôi nổi, ngân nga, cảnh sắc hiện dần theo ánh sáng tựa bức tranh thủy mặc mở ra.

Đưa mắt nhìn quanh, bóng người trùng trùng. Ngẩng đầu, tôi thấy trên đỉnh treo một chiếc đèn cực lớn hình tán cây, chiếc trụ đèn bằng đồng đen tựa tháp ngọc chín tầng, lửa cháy rực trong mười mấy bát đèn, khiến tòa chính đường sáng như ban ngày.

Phía trên chính đường cao rộng là giếng trời có lan can bao quanh, chính giữa là một cái bục cao bằng đá nổi vân hoa, ba cô gái mình vận đại hỉ bào màu đỏ đứng trên đó, cô gái bên trái ôm cây tỳ bà cúi đầu vừa đàn vừa hát. Trên những hàng ghế xung quanh cách đó hai trượng nam nhân ngồi chật kín, từ thiếu niên mười ba, mười bốn đến ông già bảy, tám chục tuổi, nếu chiêu mộ quân dịch mọi người cũng hưởng ứng nhiệt tình như vậy, quốc gia này ắt hẳn có tiền đồ. Bạn đang xem tại - www.

Lầu hai gồm những ô nhỏ trang trí vô cũng trang nhã, đằng sau những lan can hình vuông chạm trổ tinh xảo là những bức rèm che, đó là những phòng hoa phục vụ khách giầu sang. Tôi suy nghĩ một hồi, sau khi nhận ra mình đang ở đâu, bịt mắt thở dài, cảm thấy sao mình có duyên với lầu xanh đến vậy. Mặc dù nhiều lúc cũng muốn thể hiện sự thoải mái phóng khoáng, nhưng quả thực không có ý nghĩ rằng đời này nhất định phải đến đó một lần mới bõ công sống trong thế giới này .

Số phận lại hơi quá hiểu lòng người, trong vụ của Thập Tam Nguyệt tôi đã buộc phải đi dạo lầu xanh một lượt, lần này lại phải dạo qua lần nữa. Hơn nữa nhìn quang cảnh, xem ra, lần này lại còn gặp đúng dịp lầu xanh mở hội chọn tân hoa khôi và đấu giá đêm đầu tiên của hoa khôi.

Cô gái áo đỏ trên đài vừa đánh xong khúc nhạc, khách ở lầu trên lầu dưới đua nhau trả giá, bia báo giá liên tục giơ lên, có thể thấy, đúng là cả đời phong lưu không bằng một đêm phong lưu.

Nhưng đêm đầu tiên của hoa khôi không phải ai cũng đủ ngân lượng để mua, làn sóng ồn ào qua đi, chỉ còn hai vị khách ở trong phòng hoa lầu hai tranh nhau ngã giá. Tôi thật không hiểu, những người đó bỏ nhiều tiền như thế mua một cô gái, chỉ được ngủ một đêm, sao không đem số tiền đó đi mua cô gái khác có thể ngủ suốt đời.

Bức rèm châu dài sát đất vây quanh che khuất vị khách bên trong, thân giá của cô gái áo đỏ tên gọi Ổn Liên đã lên tới ba ngàn lẻ năm đồng vàng. Sở dĩ có số tiền lẻ đó là bởi vì bất luận người khách ở phòng hoa trả giá thế nào, phòng hoa đối diện luôn thong thả trả thêm năm đồng.

Có lẽ là cảm thấy có gì bất thường, ca vũ ở lầu dưới đều ngừng lại, lầu trên lầu dưới im phăng phắc. Mọi người đang nóng lòng chờ xem kết cục cuộc mặc cả, phía cửa lớn đột nhiên có tiếng ồn ào. Từ xa nhìn lại, bóng áo trắng phấp phới phát ra ánh bạc, mấy gã trai tráng có vẻ là bảo vệ của lầu xanh bị chiếc roi bạc trong tay vị khách dồn vào chính đường. Chỉ riêng chiếc áo trắng toát trên người vị khách đã tỏa hơi lạnh, người đó chỉ có thể là Khanh Tửu Tửu. Mấy cô gái đứng dưới đang chờ đến lượt lên đài dự tuyển mặt sợ hãi biến sắc, các vị khách cũng hốt hoảng lảng đi, vị khách mới đến còn chưa kịp bước qua bậc cửa, cửa lớn nãy giờ vốn chật ních người, "ào" một tiếng chạy sạch không còn một mống. Cô gái áo trắng tay cầm roi bạc bước vào chính đường, mấy người áo đen có vẻ là tùy tùng xếp hàng hai theo vào. Quả nhiên là Khanh Tửu Tửu. Chủ lầu vừa liếc mắt đã biết là khách đặc biệt, mặt tươi như hoa bước ra đón: "Tiểu thư chắc là vào nhầm chỗ, chúng tôi ở đây không kinh doanh các cô gái...". Lời chưa dứt đã bị lạnh lùng cắt ngang: "Các người ở đây không kinh doanh các cô gái thật ư?". Từ sau bức rèm châu ở phòng hoa bên phải bỗng vọng ra tiếng nói, giọng không to nhưng do không khí yên lặng nên nghe rất rõ, sau đó bức rèm được vén lên, hiện
ra một người đàn ông dáng nho nhã. Thật trăm lần phán đoán cũng không ngờ người đó lại là Công Nghi Phỉ.

Công Nghi Phỉ vận áo chùng gấm từ trên cao nhìn thẳng vào Khanh Tửu Tửu, vẻ ngạc nhiên thoáng qua, mặt lại như cười, vén một cánh rèm vào chiếc móc vàng bên cạnh.

Dưới lầu một ca kỹ che miệng ỏn ẻn nói thầm: "A, người ở trong Ứng Mai hiên thì ra là Công Nghi công tử...". Một giọng khác giản dị hơn hỏi: "Là ai thế?". Cô ca kỹ giọng trầm trồ: "Trưởng tộc gia tộc Công Nghi ở Bối Trung, được đồn đại là tư phong lừng danh, văn tài nức tiếng, Công Nghi Phỉ". Ngừng một lát nói tiếp, "Ổn Liên đúng là có phúc".

Hai cô gái nói chuyện gần trong gang tấc, tôi cũng nghe thấy, huống hồ Khanh Tửu Tửu. Nhưng mắt cô chỉ thoáng liếc vào phòng hoa được gọi là Ứng Mai hiên ở lầu hai, thu lại chiếc roi, cúi đầu thong thả bước lên cầu thang gỗ trải thảm đỏ.

Chủ lầu đứng phía sau giậm chân: "Cô nương đã đến tham quan thanh lâu, ít ra cũng nên vận nam trang, kẻo ảnh hưởng quy củ nghề chúng tôi...", lập tức được mấy người áo đen đi sau cô gái dúi vàng lá bịt miệng.

Ánh mắt cả phòng dồn vào Khanh Tửu Tửu, nhưng cô dường như không nhận ra, đi thẳng tới phòng hoa đối diện Ứng Mai hiên.

Lát sau rèm vén lên, thấy một thiếu niên bảnh bao áo gấm đai ngọc vội vã đứng lên đón Khanh Tửu Tửu: "A Ninh không nên đến nơi này làm tỷ tỷ không vui, A Ninh...".

Khanh Tửu Tửu thong thả ngắt lời, tay chống cằm, cúi đầu nhìn mấy cô gái trên đài còn chưa ngã giá: "Đệ thích cô nào?".

Thiếu niên bối rối: "Gì cơ?".

Công Nghi Phỉ đối diện nãy giờ im lặng, lắc chén rượu trong tay: "Vừa rồi tại hạ đã trả đến ba ngàn lẻ năm đồng vàng, xem ra ý huynh đài là muốn...". Nói đến đó mỉm cười ngừng lại, nhìn đăm đăm Khanh Tửu Tửu ngồi cạnh rèm châu: "... muốn tác thành cho tại hạ chăng?".

Chàng thiếu niên cúi đầu không dám nói, Khanh Tửu Tửu ngước mắt, lơ đãng nhìn vị khách, ánh mắt lại hướng vào chiếc bục cao bên dưới, ngón tay hơi ngừng trên mặt bàn gỗ đàn: "Hai vạn đồng vàng, tôi mua cả ba cô".

Khách trên lầu dưới lầu đều trố mắt, tôi cũng trố mắt. Nhìn xung quanh chỉ thấy Công Nghi Phỉ một mình ung dung tự rót rượu uống, khóe mắt cười cười. Chưa bao giờ thấy một cô gái mua gái lầu xanh ngang nhiên, hào phóng, bức ép đến thế. Khiến người ta không thể không thán phục.

Chủ lầu há mồm không nói được gì, không biết là kinh ngạc hay là vui mừng, hai vạn đồng vàng gọi ba cô, ngay những gã công tử phá gia nhất Cửu Châu này cũng không dám vung tay như vậy.

Chàng thiếu niên tên A Ninh mặt hết trắng lại đỏ, bối rối: "Chẳng, chẳng phải tỷ đến bắt đệ về nhà sao, sao lại...".

Khanh Tửu Tửu nhìn cậu ta từ đầu xuống chân, nhấc chén trà đang tỏa khói trên bàn lên: "Đã đến tranh giành mỹ nhân với người ta thì phải thắng, mọi ngày...". Ánh mắt từ sau làn khói mông lung liếc qua, "... ta dạy đệ thế nào?".

Chàng thiếu niên ngây người, cúi đầu rất thấp, cô uống hai ngụm trà rồi đứng dậy đi ra, khi rèm buông xuống, mắt liếc xuống lầu dưới một cái, "Ba cô đó nhan sắc cũng được, chọn một cô vừa ý nhất, đêm nay không cần về nhà".

Không có ai nhìn thấy tôi, có nghĩa là từ khi Khanh Tửu Tửu xuất hiện, tôi có thể điều chỉnh góc độ, quan sát mỗi biểu hiện của cô. Đây quả là một đại mỹ nhân, nhưng lạnh như băng tạc, không thấy nụ cười, dù chỉ là cười khẩy, dường như không hứng thú với bất cứ thứ gì trên đời.

Nhưng trong ký ức này, tiểu đệ của cô lại là một thiếu niên có tên là Khanh Ninh kia. Mà lần thứ hai cô gặp Công Nghi Phỉ lại là lúc chàng ta tranh giành hoa khôi lầu xanh với tiểu đệ của cô. Ảo chi đồng chỉ có thể nhìn thấy ký ức, nhưng không thể hiểu được tâm tư của chủ nhân, cho nên tôi cũng không hiểu.

Đi theo Khanh Tửu Tửu ra khỏi lầu xanh mới phát hiện lầu này bên một chiếc hồ, ven bờ liễu rủ như rèm buông. Trên hồ bóng trăng nhàn nhạt. Tùy tùng áo đen lẫn vào đêm tối, bị cô lưu lại tại chỗ, tay xách chiếc đèn nhỏ, một mình cô đi dạo quanh hồ.

Tôi đi theo sát, gần như đi một vòng quanh hồ. Đến một chỗ có bậc đá xuống hồ thì nhìn thấy một chiếc thuyền mộc neo sát mép nước, người đứng ở mui thuyền lại là Công Nghi Phỉ vừa rồi còn uống rượu ở lầu xanh.

Công Nghi Phỉ vẻ đào hoa phóng túng, tay cầm một chung rượu bằng gốm xanh, đang cúi đầu rót rượu xuống hồ, nghe thấy tiếng động hơi ngẩng đầu, nhìn thấy người đến là Khanh Tửu Tửu, mỉm cười ra ý ngạc nhiên: "Khanh tiểu thư".

Khanh Tửu Tửu khoan thai bước đến trước thuyền, dừng lại ngước nhìn chàng: "Trăng thanh nước biếc, Công Nghi công tử đồng ẩm với hồ, thật phong nhã".

Chàng thu lại chiếc chung, mắt tươi cười, giọng xem chừng đầy tủi thân: "Mấy giai nhân vừa ý lại bị tiểu thư cướp mất, không người đối ẩm họa vần, đành một mình tìm chút thú vui". Dừng lại thở dài, "... Không may chèo thuyền không thạo, mới nghĩ ra hối lộ thần hồ hai chung rượu nhạt, mong thần hồ không gây khó dễ".

Ánh mắt nhìn Khanh Tửu Tửu, chàng hơi ngẩng đầu chìa tay cho cô, "Có điều, lần này tương ngộ cùng tiểu thư, xem ra ông trời đã đoái thương, không biết có thể cho Phỉ một vinh hạnh, mời tiểu thư cùng du thuyền thưởng ngoạn cảnh hồ".

Giọng nói có vẻ tội nghiệp, nét mặt lại hân hoan khích lệ, tôi thầm nghĩ diễn như thế quá xoàng, không bẩm sinh như Mộ Ngôn, với tính cách của Khanh Tửu Tửu có họa là uống nhầm thuốc mới nhận lời.

Nhưng không biết Khanh Tửu Tửu nghĩ thế nào.

Gió lay cành liễu, Khanh Tửu Tửu giơ bàn tay trắng ngà, cổ tay đeo chiếc vòng ngọc màu đen túm ống tay áo Công Nghi Phỉ, nghiêng người lấy đà nhảy lên thuyền.

Chiếc thuyến gỗ chòng chành, hai người đứng rất gần nhau, cô đưa chiếc đèn trong tay cho chàng,"Công Nghi công tử chèo thuyền nhất định phải cẩn trọng".

Tôi nhân cơ hội cũng lên thuyền, đứng một góc, đương nhiên tôi không có trọng lượng, không ảnh hưởng gì tới cái gọi là trọng tải.

Mắt Công Nghi Phỉ lóe sáng, nhưng chỉ thoáng qua, khi thuyền đã chèo ra xa bờ mới khẽ cười: "Tiểu thư lên thuyền thế này thật khiến Phỉ kinh ngạc, lẽ nào không sợ Phỉ có dụng tâm, mạo phạm tiểu thư?".

Trên chiếc bàn trà nhỏ trong thuyền có hai chiếc gối thủy tinh lóng lánh, Khanh Tửu Tửu đưa mắt ngắm nghía, chậm rãi nói: "Vậy còn để xem Công Nghi công tử có đánh bại được Tửu Tửu không đã".

Chiếc thuyền chầm chậm dừng lại giữa hồ, Công Nghi Phỉ tay ôm đầu, giả bộ phiền não, "Biết thế này, tại hạ đã không hối lộ thần hồ hai chung rượu, để ông ta nổi sóng lật ngã cả hai ta có phải tốt không".

Cô chống tay vào má, mắt nhìn mặt chàng: "Thế nào?".

Chàng rời chỗ đến ngồi đối diện cô, chỉ cách chiếc bàn trà nhỏ, tay cầm chung rượu đã rót: "Tiểu thư có thật lòng muốn biết?".

Hình như cô suy nghĩ thật, ngẩng nhìn chàng, hỏi lại: "Thế nào?".

Ánh mắt chàng từ chung rượu gốm màu xanh di chuyển đến mặt cô, không cười nữa, trầm tĩnh nhìn cô: "Tiểu thư thân thủ cao cường, thầm nghĩ lúc này chỉ có như vậy mới có thể đến gần tiểu thư. Tâm nguyện của Phỉ rất bé nhỏ, sau khi chia tay ở núi Cô Trúc, bấy lâu chỉ mong có dịp đến gần tiểu thư một chút".

Sự thổ lộ đường đột mà khéo léo, quá một chút là giống đùa cợt, bớt một chút là đối phương không hiểu mình nói gì, tôi thầm tán thưởng, Công Nghi Phỉ đúng là thiên tài về khoản này.

Theo tưởng tượng của tôi Khanh Tửu Tửu sắc mặt lúc nào cũng không biểu cảm có lẽ sẽ giả bộ không nghe thấy, vậy là Công Nghi Phỉ đã thổ lộ uổng công.

Nhưng cũng may, chuyện trái với quy luật tiểu thuyết tình cảm đó không xảy ra.

Khanh Tửu Tửu nãy giờ chống má, bàn tay nghịch chiếc gối thủy tinh thoáng dừng, từ từ ngồi thẳng người, ánh mắt hơi ngạc nhiên, trầm tĩnh nhìn Công Nghi Phỉ, phía xa vẳng đến tiếng tiêu đồng, cô cầm cái gối nghiêng người nhích lại gần chàng, hai người gần nhau trong hơi thở, tư thế rất âu yếm nhưng giọng cô lạnh băng: "Chàng muốn cứu tôi một phen? Có phải chàng thực lòng muốn thế?". Đôi mắt trong như nước mùa thu của chàng xao động.

Cô xích lại gần hơn, môi cơ hồ chạm vào tai chàng: "Nếu tôi nhảy xuống, chàng có cứu thật không?". Cô hơi nghiêng đầu, né ra một chút, giọng rất thanh rất nhạt, không nhận ra cảm xúc: "Tôi không biết bơi, chàng không cứu, tôi sẽ chết".

Một món tóc xõa trên trán cô, Công Nghi Phỉ nắm lấy, chàng cúi đầu, nhìn không rõ biểu cảm, giọng ôn tồn: "Lời nói ra như giễu cợt Phỉ mỗ, tiểu thư cảm thấy tâm ý của Phỉ... quá nực cười? Hay là cảm thấy Phỉ không biết tự lượng sức...".

Lời chưa dứt, món tóc tuột khỏi tay chàng, "ùm" một tiếng, nước như hoa bắn lên mạn thuyền, qua làn nước hoa vọt lên, thấy bóng trắng như đóa hoa sen đã chìm xuống hồ. Lại "ùm" một tiếng, nước trào lên, Công Nghi Phỉ đã ôm Khanh Tửu Tửu đang ho sặc sụa vì sặc nước lên thuyền, y phục hai người ướt sũng, mặt Công Nghi Phỉ tái nhợt: "Tiểu thư...".

Truyện convert hay : Nữ Thần Tới Cửa Cuồng Tế

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện