Dưới Vòm Ký Ức (Đã Nhiều Năm Như Vậy)

Gần mặt, cách lòng


trước sau

Advertisement

Tác giả: Bát Nguyệt Trường An

Diện tích nhà Trần Kiến Hạ không lớn, cùng lắm là được 40 mét vuông, vốn dĩ chỉ có hai phòng ngủ, bố mẹ ở phòng lớn, cô và em trai ở chung trong phòng nhỏ. Hồi bé không có vấn đề gì, thế nhưng khi hai chị em càng lớn lên thì việc sống chung cũng càng trở nên bất tiện. Đã từng xảy ra những chuyện xấu hổ như, em trai trỏ vào vết máu kinh nguyệt cô không cẩn thận làm rây ra ga giường mà cười ha hả.

Nửa năm nay ôn tập cho kì thi chuyển cấp, cô càng khắc khổ cố gắng, thường xuyên thức khuya học bài tới tận 1 giờ 2 giờ, nhưng em trai lại không ngủ được nếu có ánh sáng, hai chị em vì vấn đề này mà cãi cọ không ít lần. Mẹ mặc dù vẫn luôn thiên vị em trai song đối chuyện thi cấp Ba cũng không dám quá đáng, đặc biệt là sau ngày họp phụ huynh đã được nghe không ít lời khen ngợi đường mật từ các thầy cô giáo, khiến ánh mắt bà nhìn Trần Kiến Hạ dần dần chuyển thành ánh mắt nhìn một con phượng hoàng đang mọc lông mọc cánh, dẫu cho trong lòng vẫn ít nhiều còn mấy phần hoài nghi.

Chị em đấu khẩu tới mức gà bay chó sủa, bố đành phải dùng vách ngăn khoảng không cạnh bàn ăn cơm thành một căn phòng, mua thêm một chiếc bàn nhỏ để cô ngồi bên ngoài học bài.

Trong gian phòng cũ kĩ chật chội, giấy dán tường bốn bên đã bị khói hun tới mức hơi ngả vàng, có một chiếc bàn học mới nhìn cực kì chướng mắt. Biết bao đêm trôi qua, Trần Kiến Hạ đều dựa vào ánh sáng màu cam từ ngọn đèn bàn nhỏ bé, lắng nghe tiếng ngáy của bố mẹ truyền ra từ bên trong phòng ngủ, vùi đầu làm hết tờ đề này đến tờ đề khác. Có những hôm học bài tới quá muộn, cô liền đắp chăn nằm luôn ở sô pha ngoài phòng khách chợp mắt.

Em trai tuy hiếu động hoạt bát song thần kinh lại rất yếu, một tiếng động khe khẽ cũng có thể khiến cậu đề cao cảnh giác. Hơn nữa, kì lạ nhất là, cậu miễn dịch với tiếng ngáy như kéo gỗ của bố mẹ, thế nhưng chỉ một tiếng kéo ghế nhẹ của Trần Kiến Hạ ngoài phòng khách cũng có thể lập tức khiến cậu tỉnh giấc.

Trận cãi cọ nảy lửa nhất giữa hai chị em cũng xảy ra chính vào năm cô thi chuyển cấp này. Em trai 13 tuổi, đang trong giai đoạn dậy thì, tính tình rất nóng nảy. Một đêm nọ Trần Kiến Hạ không cẩn thận đánh rơi túi đựng bút, bút văng vãi hết ra trên nền đất, cô vội vàng ngồi xuống nhặt thì nghe thấy tiếng cánh cửa phòng ngủ nhỏ mở đến rầm một cái.

"Chị có định để yên cho em ngủ không thế!"

Lúc đầu, khả năng kiềm chế của cô vẫn rất tốt, vừa xin lỗi vừa dỗ dành cậu. Đúng vào lúc sắp dỗ xong thì bố mẹ vừa tỉnh giấc lại mắt nhắm mắt mở bước ra ngoài phòng khách, bầu không khí lại quay trở về xuất phát điểm, em trai được nước lấn tới.

Ý trong lời ý ngoài lời đều là ngày nào chị cũng cố tình gây chuyện, chỉ vì muốn cả nhà phải xoay vòng quanh chị. Thi cấp lên Ba thì có cái gì ghê gớm cơ chứ?

Trần Kiến Hạ sớm đã cảm nhận được rằng, em trai ghen tị rồi. Em trai từ trước đến nay vốn chiếm thế thượng phong đã rất lâu không được đè đầu cưỡi cổ chị gái nó rồi.

Chiếc bàn học trong phòng khách ấy tuy không lớn nhưng thiết kế rất hợp lí, có ngăn kéo và giá sách nhỏ được sơn màu trắng sữa. Em trai nhìn thấy liền đỏ mắt, ngay từ lúc mới mua về đã cãi cọ đòi bằng được, thế nhưng vì phòng nhỏ quá nên đành chịu. Huống hồ, là cậu đuổi chị gái ra khỏi phòng, không có lí do gì để được chiếm mất luôn cả chiếc bàn mà bình thường cậu vốn dĩ chẳng bao giờ dùng tới.

Chiếc bàn này như mang trong mình một sức hấp dẫn kì lạ, khiến em trai ở lại ngoài phòng khách càng ngày càng muộn, vừa xem tivi vừa cười ầm ĩ. Chân mày Trần Kiến Hạ nhíu càng chặt, cậu lại càng hả hê, trăm lần như một đều là bố phải đích thân đi ra cưỡng ép cậu về phòng.

"Tivi cũng không cho xem, ngủ cũng không cho ngủ, dựa vào cái gì chứ! Đều nói là các người không cần con nữa, bác gái cả và bác hai, đều nói như vậy, có chị là đủ rồi mà, cần con làm gì, cần con làm gì nữa?"

Nửa đêm nửa hôm em trai gào khóc đến tan nát cõi lòng. Đã sắp 13 tuổi rồi, giọng nói trong thời kì vỡ giọng the thé như cứa vào màng nhĩ khiến đầu Trần Kiến Hạ ong hết cả lên.

Mẹ ôm em trai vào lòng cũng hoe đỏ vành mắt, vội vã dỗ dành cậu, vỗ về cậu. Bố đứng một bên có chút mất kiên nhẫn, thế nhưng vẻ mặt vẫn rất ôn hoà.

Trần Kiến Hạ không giải thích gì cả.

Chuyện này còn chẳng được coi là hiểu lầm, cô chỉ đơn giản là làm rơi túi bút, cũng không biết có sóng ngầm gì đã bị nó dấy lên.

Ban đầu vì tranh giành nhà của ông nội, nhà bọn họ và nhà bác hai đã không ít lần xảy ra khẩu chiến, móc mỉa lẫn nhau cũng là chuyện dễ hiểu, ai dè lần này cái miệng sắc sảo của bác cả lại chọc vào đúng chỗ đau của em trai.

Trần Kiến Hạ cố gắng một lát, song vẫn không thể nặn ra được giọt nước mắt giả tạo nào. Bố mẹ từ sau khi em trai chào đời đã bắt đầu thiên vị, cô sớm đã quen rồi, kể cả thứ cảm xúc tủi thân cũng không thể ép ra nổi.

Cô lạnh lùng nhìn hai mẹ con đang khóc lóc thảm thiết trong phòng khách, trở về bên cạnh bàn học, ngồi xuống cúi đầu tiếp tục đọc sách. Luồng sáng từ ngọn đèn bàn như ngăn cách bọn họ thành hai thế giới, cô không muốn tiếp tục bận tâm tới những người nhà đứng ở bên kia nữa.

Qua một lúc, tiếng khóc nhỏ dần, song cô lại nghe thấy tiếng bước chân rầm rập lao về phía mình. Trần Kiến Hạ còn chưa kịp ngẩng đầu, cánh tay của em trai đã vươn tới, hất toàn bộ túi bút, đề thi, giấy nháp... trên bàn xuống đất.

Trần Kiến Hạ đứng dậy, em trai giẫm một cái lên đống giấy trên nền đất, ngẩng đầu định nói gì đó, liền bị Trần Kiến Hạ vung tay bạt tai một cái.

Mẹ lập tức nổi điên, xông tới đỡ em trai, đẩy Trần Kiến Hạ về phía bức tường sau lưng. Trần Kiến Hạ sớm đã biết trước bà sẽ hành động như thế này, đứng rất vững vàng. Mẹ vì thế càng không vui, giơ tay định tát trả một cái nhưng lại bị bố giữ lại.

Cô chỉ đứng bên cạnh bức tường, lặng lẽ, lạnh nhạt nhìn bọn họ. Vẻ mặt dữ dằn hung tợn của mẹ, cảnh tượng bố mẹ giằng co với nhau, tiếng khóc xé tai của em trai... - trong đôi mắt của cô, tất cả giống như một thước phim câm, vừa rõ ràng lại vừa nực cười.

Trần Kiến Hạ tin là mặt của em trai rất đau. Bởi cô xuống tay rất mạnh.

Hồi nhỏ, mẹ mê tín, thích nghiên cứu mấy thứ như xem chỉ tay, tướng mặt, nhìn thấy tay phải của Trần Kiến Hạ liền nói cô có đoạn chưởng [1], lúc đánh người không nương tay, không thèm nhận họ hàng thân thích.

Cô vẫn còn nhớ vẻ mặt đầy ghét bỏ của mẹ lúc bế em trai nói đến "không thèm nhận họ hàng thân thích". Lúc ấy, cô thực sự đã tin, đã vì một đường chỉ tay mà trở nên tự ti, vừa ôm mẹ vừa nói cô sẽ nhận, chắc chắn sẽ nhận.

Thế nhưng phải nhận gì cơ chứ? Là bọn họ không nhận cô mới đúng.

Bố kéo Trần Kiến Hạ ngồi xuống ghế sô pha, xoay đầu tiếp tục khuyên mẹ và em trai. Tiếng cãi cọ ầm ĩ kéo dài tới tận 3 giờ đêm, cho tới tận khi em trai đã khóc mệt, bắt đầu buồn ngủ.

Tinh lực của mẹ dồi dào, sau khi dỗ dành em trai đi ngủ, đóng chặt cửa phòng ngủ nhỏ, liền ngồi xuống sô pha bên cạnh bố, đè thấp giọng nói chất vấn Trần Kiến Hạ. Dạy dỗ tới lui tóm lại cũng chỉ quanh quẩn ở mấy câu: không nhận họ hàng, bạc tình bạc nghĩa, dù học hành có giỏi hơn nữa thì cũng chẳng có tác dụng gì!

Phải, học giỏi thì có tác dụng gì cơ chứ. Trần Kiến Hạ lặng lẽ nói với bản thân, sau khi thi đỗ vào trường Nhất Trung của Huyện, nhất định sẽ ở nội trú, dù cho lí do chỉ là vì một chiếc bàn học.

Mẹ cũng mắng mệt rồi, Trần Kiến Hạ cuối cùng có thể đi ngủ. Trước khi đi ngủ, cô ngồi xổm dưới đất nhặt hết đống bút và đề thi bị giẫm bẩn lên sắp xếp lại gọn gàng, bò lên giường nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, một đêm chớp mắt đã trôi qua.

Ngày hôm sau, giữa mọi người vẫn còn chút gượng gạo, mẹ trừng mắt với cô, sắc mặt của bố cũng không vui vẻ, trước khi ăn cơm tối em trai còn đá cô một cái. Đến ngày thứ ba thì lại có thể nói chuyện bình thường, ngày thứ tư em trai lại bắt đầu bày trò chọc tức cô trong phòng khách, ngày thứ năm bố mẹ quan tâm hỏi tới điểm số và thành tích thi thử của cô, cô cũng kiêu ngạo mà khoe về xếp hạng thứ tự và những lời khen của thầy cô giáo...

Mọi chuyện lại quay trở về xuất phát điểm như thế. Trần Kiến Hạ hồi tưởng những động tác, lời lẽ, ánh sáng trong căn phòng ấy, tất thảy đều mang một cảm giác xa cách mãnh liệt, giống như một bộ phim điện ảnh không hề có liên quan tới cô.

Người một nhà, không cần thiết chuyện gì cũng phải đem ra nói rõ ràng, dù sao vẫn phải tiếp tục chung đụng, nhắm một mắt mở một mắt, hoà thuận là được rồi, tóm lại không thể ghi hận giống như Vu Ti Ti, sau đó tận lực tìm cách trả thù.

Giữa người với người, chỉ những lúc đã hết tình cảm mới bắt đầu nói lý.

Thế nhưng trong lúc ngồi trên bồn cầu đắm chìm trong mạch suy nghĩ, Trần Kiến Hạ vẫn không tránh khỏi cảm thấy rối rắm.

Phải, cả nhà bọn họ lại làm lành rồi. Em trai lại bắt đầu chọc tức cô, ỷ lại vào cô, không vì một cái bạt tai mà đuổi cô tránh xa; mẹ cũng không xem cô là đồ sao chổi họ hàng không nhận; thế nhưng những trận cãi vã, những sự thiên vị, những việc nhập nhằng chưa phân rõ đúng sai của lúc đó, khi kết thúc cũng không còn nhớ được quá trình diễn biến của sự việc, đã dần dần thay đổi cô, khiến cô trở thành Trần Kiến Hạ của ngày hôm nay.

Trước đây là ánh sáng từ một ngọn đèn bàn, hiện giờ là một cánh cửa. Trên đỉnh đầu vẫn là cái trần nhà ấy, song bọn họ sống ở bên dưới sớm đã cách lòng.

~~~

[1]Thường thường thì lòng bàn tay của chúng ta có 3 đường: sinh mệnh, trí tuệ và tình cảm (vị trí của ba đường này thì chắc mọi người đều biết rồi chứ?  Khi xem chỉ tay, con trai sẽ xem tay trái còn con gái sẽ xem tay phải. Nếu hai trong ba đường này gặp nhau tại một điểm, ví dụ như tình cảm và trí tuệ chẳng hạn, sau đó đường vân kéo dài từ bên này sang bên kia, giống như phân tách lòng bàn tay ra thành hai phần, thì người đó gọi là có "đoạn chưởng" ("đoạn" = cắt đứt, "chưởng" = lòng bàn tay).

Theo nhân tướng học, đàn ông có đoạn chưởng là người có khả năng kiếm được nhiều của cải, thành đạt giàu có, thế nhưng phụ nữ có đoạn chưởng lại là người có số mệnh trắc trở, tính cách cứng rắn, thường gây ảnh hưởng không tốt tới người thân xung quanh.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện