Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 12


trước sau

Advertisement

Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Hiện tại vẫn còn đang trong tháng nóng nhất mùa hè. Sáng tầm tám, chín giờ tiết trời đã bắt đầu oi ả, mặt trời nhô cao chiếu rọi khắp muôn nơi, cơ thể phơi nắng không được che chắn nóng rát cả lên.

Bởi vì phải làm tiệc rượu nên nhà ông chú hai có bao nhiêu cái bếp lò cũng đem đi nấu hết, ngoài ra đầu bếp từ sáng sớm tinh mơ đã kêu mọi người dựng lò lửa trong sân, giờ đang có cái nồi sắt lớn đặt trên bếp, bên dưới củi đốt hừng hực, trở thành một khu vực làm người ta nhìn mà sợ hãi.

May mà dù có hơi nóng thì mùa hè làm tiệc cũng có điểm tốt của mùa hè, đó chính là chủng loại rau quả và trái cây nhiều hơn so với mùa đông, đương nhiên những món ăn có thể được chọn làm trên mâm cỗ cũng nhiều hơn mùa đông rất nhiều.

Thời gian chầm chậm trôi đi, các người thân bạn bè đến tham dự hôn lễ lục tục tới nơi, Tôn Biền nhanh chóng gặp được gia đình dì hai và cậu út. Nhóm người lớn tụ tập cùng nhau đương nhiên phải nói chuyện phiếm, còn đám con nít xúm lại sẽ quậy phá, thời buổi này nhà ai chẳng có nhiều đứa con? Ba, bốn đứa còn xem như thiếu nữa kìa.

Dù chính sách kế hoạch hóa gia đình đã được tiến hành nhiều năm ở đây, thế nhưng đối với những người nông dân không có công tác mà nói, thà bị phạt tiền cũng phải sinh nhiều hơn vài đứa.

May mà phần lớn mấy đứa điên như khỉ kia đều là con trai, bọn con gái tầm tuổi này như Tôn Biền đã tạm biệt những năm tháng trẻ nít điên điên khùng khùng rồi. Mọi người giờ đang dời tảng đá đến dưới cây liễu lớn, nằm ở phía Tây cửa chính của nhà ông chú hai, vừa hóng mát vừa nghe radio, cười nói vui vẻ.

Radio là thứ vừa nãy Tôn Ký mới quay về nhà bà ngoại lấy giúp Tôn Biền. Thật ra bởi sân nhà ông chú hai đã quá nhiều người, chẳng có chỗ nào đặt chân nữa, nên mấy đứa con gái phải tụ tập tại đây chứ không phải trong kia, chẳng còn cách nào khác mà.

Như họ thế vẫn còn ổn, ít ra còn được chỗ nghỉ ngơi mát mẻ. Chứ đám mấy đứa con trai choai choai Tôn Tuấn đã bị đùn đẩy lên nóc nhà phơi nắng.

Nhóm Tôn Biền đều là mấy cô gái mười lăm, mười sáu, mười bảy, mười tám tuổi. Ở quê, con gái tuổi này nếu không tiếp tục đi học thì sẽ làm việc mấy năm giúp đỡ gia đình, là có thể tích cóp đồ cưới tìm nhà chồng chuẩn bị gả đi.

Theo tập quán của bọn họ, con gái chỉ làm việc cho nhà mẹ đẻ, trừ phi quan hệ vô cùng thân thiết, nếu không sẽ chẳng tùy tiện làm giúp nhà người khác. Thế nên người phụ việc bếp núc trong sân hiện nay chủ yếu là chị dâu cả và con dâu út trong họ hàng, mấy đứa nhóc nhỏ hơn một chút sẽ được mấy đứa lớn dắt đi phá phách khắp thôn.

Khóe mắt Tôn Biền liếc nhìn cậu em mình dẫn một đám nhóc tì trêu chó chọc mèo khắp nơi. Chú chó giữ nhà ông chú hai dù đã được giấu ra sau nhà, nhưng cũng không thể trốn khỏi “bàn tay độc ác” của mấy đứa này. Cũng chẳng biết bọn nó kiếm đâu ra được cái dây thừng lớn, đang kéo con chó kia tới chỗ dòng suối nhỏ.

Tôn Biền quá hiểu tính tình em trai mình, vừa thấy trên mặt nó nở nụ cười xấu xa là biết ngay thằng ranh đó nhất định chả có ý gì tốt.

Tránh để chú chó gặp xui xẻo, cô vội hô sang bên kia: “Mấy đứa đang làm gì thế? Trả chó nhà ông chú hai về đi. Không thấy nó không vui sao? Chọc nó tức cắn cho rồi làm sao đây hả?”

Phương pháp chữa bệnh thông thường hiện nay cũng chưa được phát triển như đời sau, người trong thôn cũng không biết cái gì gọi là vaccine phòng dại, hơn nữa vaccine phòng dại cũng rất thiếu. Chỉ bệnh viện lớn trong thành phố mới được phân phối, bệnh viện dưới quê và thị trấn đều không có.

Thời này nếu bị chó cắn hay mèo cào sẽ lấy nước xông qua, mắng mấy câu rồi thôi.

Đám con trai bị la thì mới dừng chơi đùa, sau khi nhìn nhau mấy lần mới dòm thằng Tôn Ký.

Mà cu cậu Tôn Ký thì cười tí ta tí tửng với chị, bảo: “Chị ơi trời nắng to, chó cứ lè lưỡi suốt, bọn em mới muốn dắt nó sang bờ sông tắm rửa cho mát mẻ tý.”

“Tắm chó? Thôi dẹp đi, em mà ra tay thì chó đang yên lành về cũng trụi lông, còn chưa cho Đại Hoàng cào đủ à? Muốn mẹ dắt em đi chích nữa đúng không?”

Mèo Đại Hoàng nhà bà ngoại tính nết hoang dã, nhưng mà rất thông minh, biết nhận người nhận nhà. Dù nó có đi rong khắp nơi thì cũng chưa hề chạy mất, hơn nữa nào giờ cũng không cào người trong gia đình. Trong đám trẻ con nhà Tôn Biền, người duy nhất từng bị Đại Hoàng cào chính là Tôn Ký, nói vậy cũng biết con mèo vàng bị nó làm phiền đến độ nào.

Tôn Ký vừa nghe phải đi chích là hậm hực không nhiều lời nữa ngay, vâng lời dắt chó về. Cậu không muốn bị mẹ xách lỗ tai túm lên xe, mỗi tuần một lần đến bệnh viện trung tâm chích một mũi lên mông nữa đâu.

Sau khi giải thoát cho bé chó đáng thương nhà ông chú hai xong, đám con trai cũng không ra cổng chính nữa. Tôn Biền đoán chắc là leo tường sân sau luôn rồi, lần này cô cũng lười quản.

Không còn mấy thằng nhóc xấu xa kia làm phiền, mấy đứa con gái tiếp tục xúm lại nghe ngài Đan(1) kể chuyện(2), giọng kể trầm khàn đặc trưng kia cứ như mây đen giăng mờ trăng sáng, khiến mấy cô gái say mê không dứt.

Lúc Tôn Biền còn đang nghe vui vẻ hết sức thì chợt cảm giác có người nhẹ nhàng giơ ngón tay chọt sau lưng cô. Tôn Biền quay đầu nhìn, thấy chị nhỏ nhà bà cô đang không ngừng đưa mắt về một phía ra hiệu. Nhìn sang hướng đó, cằm cô xém tý nữa là rớt xuống.

Chỉ thấy một thanh niên dáng không cao, đầu chải tóc hai mái hơi dài ngang vai, đeo chiếc kính râm màu trà trên mặt, thân trên mặc một chiếc áo sơ mi lòe loẹt đủ màu sắc, thân dưới tròng chiếc quần ống loe ống rộng cạp trễ, nghênh ngang đi từ phía đường thôn tới nhà ông chú hai.

Bộ trang phục của anh thanh niên này, dù đặt trên đường cái sầm uất trong thành phố cũng vô cùng chướng mắt, chứ đừng nói là dân nông thôn dưới quê tương đối khép kín.

Bởi thế có thể nói, đoạn đường này anh ta thu được vô số ánh mắt, có kinh dị, có không tin được, còn có nổi cơn tam bành. Cái con người ấy khi đi ngang bọn họ, đến radio mấy cô gái cũng chẳng buồn nghe, mọi ánh mắt đều
Advertisement
tập trung lên người đối phương.

Có vẻ như cậu ta cũng phát hiện được điểm này, lúc bước đi đầu ngẩng càng cao, lồng ngực ưỡn càng thẳng hơn, đến cả giày da cũng tăng sức giẫm.

Đưa mắt nhìn người bên cạnh mình lẹp xẹp, lẹp xẹp đi qua, mấy đứa con gái mới bắt đầu xì xào bàn tán.

“Ôi, anh ta ăn mặc kiểu gì đây, sao mà trông quái dị thế?”

“Không biết, chưa từng thấy luôn á, ôi quần kéo tới hông luôn rồi, lộ cả một đoạn eo dài mà anh ta cũng chả biết xấu hổ.”

Nông thôn thời bấy giờ thông tin liên lạc không thuận tiện, tin tức lưu thông rất chậm, tổng cộng trong thôn chỉ có một cái tivi, chính là cái trong nhà bà ngoại Tôn Biền.

Bởi thế bọn họ cũng không nhạy với mốt thịnh hành, giờ phần lớn dân trong thôn vẫn mặc quần áo bằng vải thô màu xanh dương, xanh lá, xám khói… và giày cao su cũ màu vàng. Chỉ có đám người trẻ tuổi mới thêm vào một ít màu sắc khác.

Nhưng cũng có người nắm bắt thông tin nhanh nhạy, chẳng hạn như cô bé vừa nãy mới lấy ngón tay chọt Tôn Biền.

“Chị biết nè, cái cậu ta đang mặc gọi là áo sơ mi hoa, trên mặt đeo kính mát, loại quần nửa trên bó sát nửa dưới xòe ra gọi là quần ống loe, đều lưu hành từ phương Nam đến đây. Nghe nói là mốt mới nhất bên Hương Cảng đó, minh tinh nước ngoài mặc không.”

“Cái gì, thế gọi là quần ống loe à, trông thật quái dị. Với lại có phải loại quần đó cực kỳ dễ dơ không? Ống quần vừa rộng vừa lớn thế kia cũng có thể dùng làm chổi đó. Em thấy cái anh vừa đi đằng trước, đằng sau cũng chẳng còn thứ gì bẩn thỉu gì hết. Có thể kêu ảnh sau này mỗi ngày sang sân nhà tụi mình xoay mấy vòng không, như thế thì cũng khỏi cần quét sân nữa.”

Tôn Biền nghe thế, không nhịn được mà cười muốn gãy lưng luôn, bởi từ để miêu tả của cô em này thật quá sâu sắc, chỗ anh chàng quần ống loe kia đi qua đúng là rất hiệu quả như cái chổi thành tinh.

Không biết tại sao Tôn Biền lại cười, bé em họ ngồi cạnh cô nghe thế phồng mặt nói: “Chị Tiểu Biền, chị đừng có cười, chẳng lẽ em nói sai à? Áo sơ mi hoa với quần ống loe kia rất khó coi mà, có điều kính mát thì còn được.”

Có người không thích thì sẽ có người thích, như chị gái của cô em họ kia, từ nãy đến giờ cứ thẫn thờ nhìn quần ống loe, thoạt thấy dáng vẻ vô cùng động lòng đó.

Em cô ấy lập tức bảo: “Chị, chị cũng đừng có ý định gì đó nha, tính bố mình thế nào chị cũng biết, nếu chị thật có gan mặc vậy thì chắc chắn bố sẽ cầm chổi lông gà quất cho đấy.”

Cô gái mười bảy, mười tám tuổi lập tức biến sắc, không dám nhìn quần ống loe đó nữa, nhưng sự tiếc nuối trong ánh mắt ai cũng thấy được, môi cũng bĩu lên rồi.

Để phòng trường hợp chị em cãi cọ, Tôn Biền lập tức lảng sang chuyện khác, chỉ vào cái người mới đi ngang, giờ đang đi tới nhà ông chú hai hỏi: “Người đó là ai? Sao chị thấy lạ mắt thế nhỉ? Là người trong thôn chúng ta à?”

“Chị Tiểu Biền, chị không biết anh ấy à? Đó là Trường Quý nhà ông cả á.”

Người được gọi ông cả chính là anh họ của ông ngoại Tôn Biền, cô phải gọi là ông bác cả.

Đó là Trường Quý cháu trai út nhà ông bác cả à? Trong đầu Tôn Biền bỗng lóe lên một đoạn hồi ức.

Một đám con nít mặc áo bông, quần bông rộng rãi chạy tán loạn khắp nơi giữa mùa đông, cả thời tiết lạnh giá lẫn gió Tây Bắc lồng lộng đều không thể giảm đi chút nhiệt tình nào của bọn trẻ. Bọn chúng kéo nước mũi, xoa tay nhỏ nứt nẻ, để hớ hênh đôi tai đỏ bừng chạy điên cuồng khắp nơi, cũng không biết đang chơi gì nữa. Tuyết trên trời nhanh chóng rơi xuống, tụi con trai thấy vậy càng vui vẻ hơn, bốc tuyết trên đất rồi bắt đầu chọi nhau lung tung.

Trong đám trẻ con có một đứa vóc dáng cực kỳ nhỏ gầy, đôi giày bằng vải bố màu đen với bộ áo bông quần bông nhiều chỗ vá, mặc lên trông chẳng vừa chút nào. Rất dễ nhận ra đây không phải quần áo và giày làm riêng cho cậu bé, chắc là anh trai trong nhà mặc chật rồi để lại cho cậu.

Thời đại vật tư thiếu thốn, gần như mỗi nhà đều như vậy, một bộ đồ thằng cả mặc xong thì cho thằng hai mặc, thằng hai xong tới thằng ba. Nếu còn em trai, em gái thì có thể tiếp tục nhượng xuống, mãi cho đến khi quần áo biến thành vải rách thì thôi.

Sau đó không biết thế nào mà đám con nít chạy tới chơi trên mặt băng của con sông nhỏ trong thôn. Đầu đông, mặt sông còn chưa đóng băng hoàn toàn, thằng nhóc nhỏ gầy kia ăn đủ xui, chân đạp nát băng rồi rơi thẳng xuống luôn.

Mấy đứa nhỏ khác trong thôn cùng hợp sức kéo người lên, nước sông chẳng sâu nên không nguy hiểm, có điều đứa xui xẻo này lại ướt hết giày với quần, gào khóc oa oa trên bờ sông không dám trở về.

Về sau bà ngoại Tôn Biền mới đưa thằng bé muốn đóng băng tới nơi về nhà, lột sạch sẽ xong thì nhét người vào chăn bông trên đầu giường sưởi, hong khô hết đám quần áo và giày của thằng nhóc xui xẻo trên bếp lò.

Đứa bé không may ngày ấy chính là Trường Quý nhà ông cậu cả, Tôn Biền cũng chẳng mấy quen thân anh ta. Trong ấn tượng của cô, phần ký ức rõ ràng nhất chính là bộ dạng thằng nhóc kia ôm chăn bông núp trên đầu giường sưởi nhà bà run lẩy bẩy.

Đó là Trường Quý à!

Cái người đầu củ cải hồi xưa sao mà biến thành như này rồi?

Hết chương 12.

Advertisement

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện