Review Truyện Hoa Quế Chưng



Hoa Quế Chưng có nội dung rất hay, được edit cẩn thận, chú giải chi tiết những điển tích, điển cố.


HOA QUẾ CHƯNG


Tác giả: Đại Cô Nương Lãng
Thể loại: Dân quốc, cao H có nội hàm, trạch đấu, thực tế, cưới trước yêu sau, liên quan đến văn hóa Kinh kịch Trung Hoa, bông hoa quế Quế Hỷ xinh đẹp rực rỡ trong thân phận thấp hèn nơi gánh hát rong - Hứa nhị gia toan tính lại không thoát được chữ tình, #SẠCH_SỦNG_NGỌT, thâm tình, HE
Độ dài: 168 chương
Tình trạng: Hoàn edit.
Một ngày xa xôi cũ, cô bé con nắm trong tay bím tóc đuôi sam, cười như tỏa nắng gọi một tiếng “sư huynh” đã tạo nên trong lòng Kiều Ngọc Lâm tâm lý chở che và chăm sóc. Nơi đoàn hát nam trộm nữ xướng, dạy nhau bằng đòn roi, may là bên cạnh Quế Hỷ có Kiều Ngọc Lâm gánh hết những lạnh nhạt, để lại ánh mặt trời ấm áp mãi bao bọc Quế Hỷ. 
Ngày trưởng thành, khi Quế Hỷ vẫn còn là một tiểu Hoa Đán, Kiều Ngọc Lâm đã là Đại Võ Sinh tứ trụ của gánh Tứ Hỷ, được Lão Phật Gia trọng dụng, triệu vào Cung hát xướng. Anh đi, hứa sẽ dùng hai năm dốc lòng kiếm tiền, mang về chuộc thân cho anh và cô. Rồi họ sẽ có tự do hằng ao ước, cùng nhau sống nơi phố chợ ồn ào. Anh buôn gánh bán bưng, cô chăm sóc gia đình. 
Ngày từ biệt, anh đeo vào tay cô chiếc vòng đính ước. Có ngờ đâu, ngọc vỡ, tình tan. Trên đường theo gánh Tứ Hỷ vào kinh biểu diễn, Quế Hỷ lại gặp phải nạn kiếp rồi “Một đấu vàng đổi tấm thân (1)”, bị vợ chồng chủ gánh hát bán cho Hứa Nhị gia làm vợ lẽ.
Hứa Nhị gia - Hứa Ngạn Khanh vừa gặp đã cảm thấy yêu thích Quế Hỷ và việc cô trở thành vợ lẽ cũng không nằm ngoài bàn tay sắp đặt của anh. Nhưng anh là người theo Nho học, từng đỗ đến Tam Giáp, tính tình như gió mát trăng thanh, chẳng hề cưỡng cầu một ai. Khi biết cô có người thương, dù thất vọng, anh vẫn sẵn lòng tạo điều kiện đưa Quế Hỷ vào Kinh gặp lại sư huynh. 
Bao nhiêu tranh đấu, bao nhiêu khuất nhục mới giữ vẹn tấm thân trung trinh chờ đến ngày gặp lại. Nhưng thứ đang đợi cô lại là tin sư huynh trong cung được trọng dụng, còn lọt vào mắt của Cách Cách Đoan Vương phủ. Rồi đây, tương lai rộng mở, liệu anh có chấp nhận cùng cô trải qua nửa đời dung dị? Liệu cô có ích kỷ khi giành lấy anh rồi cướp đi tất cả những thứ đáng thuộc về anh?
…Một câu nói, một cái xoay người, Quế Hỷ bước ra khỏi nơi hoá trang của sư huynh, mang theo câu chuyện vừa lén nghe được và tình đầu ngây thơ chôn chặt xuống đáy lòng. 
“Mái Tây để lạnh hương nguyền
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.” (2)
“Từ đây thế gian mỗi người mỗi ngã, lại không thể chung đường”.
Cô trở về bên Hứa Nhị gia để trả nợ ân tình cho người đã chuộc thân, với lời hứa một năm nữa sẽ trả tự do. Để rồi, đóa hoa quế dần dần bị cái nóng ẩm của phương nam và trái tim nóng bỏng của Hứa Nhị gia chưng chín từ lúc nào không hay biết. 
***
Kinh kịch phát triển và hưng thịnh vào thời Thanh mang lại danh vọng, cũng lấy đi bao nước mắt và gieo rắc bao tủi nhục. Một cậu bé Đức Chí bị mẹ ruột nhẫn tâm chặt đứt ngón tay để được vào gánh hát; cũng là cậu bé Đức Chí vì không chịu hát câu “ta là phận nữ nhi” mà cả đám trẻ bị đánh đập, bị hành hạ đến mức phải buộc lòng sửa miệng. Ở nơi đó, tình người rất đáng quý. Chỉ một chút quan tâm, một chút ấm áp cũng có thể trở thành tình cảm đi theo cả đời (3). 
Quế Hỷ cũng thế. Cô không cha không mẹ bị bán vào gánh hát, lớn lên cùng đòn roi và những cặp mắt như hổ rình mồi của bọn đàn ông háo sắc. Chính vì vậy, những quan tâm, chở che của sư huynh Ngọc Lâm thực sự đẹp như tình đầu. 
Để rồi, tất cả những gì tươi đẹp nhất, đáng để kỳ vọng nhất về tương lai cũng chôn vùi vào ngày cô xoay lưng bước đi. Một cô gái xuất thân đê hèn thì có quyền gì mưu cầu hạnh phúc? Những thứ tốt đẹp mà cô từng thấy, từng thích, từng giữ trong tay rốt cuộc cũng chỉ là ngọn gió, bắt được trong tay, cảm thấy mát lành, rồi một khoảnh khắc sau, lại tan biến đi mất. 
Kể cả Hứa Nhị gia… 
Vì thế, Quế Hỷ sống bên Hứa Nhị gia trong tâm thế một người chết đuối vớ được cọc mà không hề trông mong, cũng chẳng dám đặt cược trái tim nhỏ bé của mình vào nơi hào môn sâu như biển, vào một thương nhân “trọng lợi nhẹ biệt ly”.
Nhưng Hứa Nhị gia không phải là ngọn gió bắt được, không giữ được. Anh cũng chẳng phải là cái cọc cứu người rồi đến bờ, người đi, cọc lại vẫn lênh đênh giữa dòng. Anh là mặt trời sưởi ấm, soi rọi dẫn lối cho cô qua đoạn thời gian đen tối nhất của cuộc đời. Anh là ngọn gió mát lành tưới tắm tâm hồn cô khỏi nắng gió phương nam. Anh là cơn mưa gột rửa những bùn nhơ phủ vây bám riết lấy cô trong những ngày sống không bằng chết và là bàn tay ấm áp với vết chai mỏng luôn sẵn sàng chìa ra chờ cô nắm lấy.
Chi tiết bàn tay ấm áp với những vết chai mỏng rất hay được nhắc đến trong truyện. Bàn tay kiên định kéo cô rời khỏi Hứa phủ khi bị lão thái gia phản đối. Cũng bàn tay vững chãi ấy nắm chặt một bàn tay bé nhỏ loạng choạng mất phương hướng, đưa cô ra khỏi vũng lầy, cho cô sự an tâm, sự đảm bảo về một tương lai mà cô vốn không dám mơ tưởng. Bàn tay nắm lấy bàn tay cũng là ước mơ của Hứa Ngạn Khanh về đêm Nguyên tiêu một nhà ba người, anh một tay bế con, một tay dắt cô đi qua hết những nơi phồn hoa tươi đẹp. 
Lương thần mỹ cảnh, vĩnh sinh bất vong. 
Tình cảm giữa họ phát xuất từ một cái nhìn thuận mắt, một tính nết hợp lòng mà anh từng nghĩ chỉ là yêu thích mà thôi, không phải cô rồi cũng sẽ có người khác. Nhưng tiết trời Hoa quế chưng ở phương nam liệu có chừa một ai? 
Rất nhanh sau đó, anh phát hiện hoá ra mình cũng là một người trần mắt thịt, ăn khói lửa nhân gian, nếm thất tình lục dục. Mà chính cô là người đã cho anh nếm trải hạnh phúc đời thường. Vì cô, anh sẵn lòng dẹp bỏ hết những lề thói mục nát cũ kỹ, tự nhiên dùng tiếp chậu nước mà cô đã dùng qua, ăn nốt món ăn mà cô bỏ dở. Vì cô, anh cũng lo được lo mất, cũng muốn được cô đau lòng, muốn cô thương tiếc, muốn được cô đối tốt gấp bội, muốn cùng cô một đời một kiếp một đôi người…
Một ngày rất lâu sau đó, anh chợt nhận ra, những thứ có thể dễ dàng buông bỏ đều là vì không đủ thích. Chỉ có Quế Hỷ là anh không thể buông tay. Dù có phải tranh cướp, anh cũng phải giành cho bằng được. 
***
Tháng tám âm lịch, thời tiết nóng ẩm, ở miền Nam sẽ có một vài ngày nắng nóng ẩm ướt bất thường. Vì thế, người ta thường dùng từ “chưng” để miêu tả cái nóng như lò hấp của khoảng thời gian này. Đây cũng là lúc hoa quế nở nhiều nên được gọi là mùa Hoa quế chưng (4). 
Câu chuyện bắt đầu từ một mùa hoa quế chưng, khi Hứa Ngạn Khanh tình cờ nhìn thấy Quế Hỷ ở nhà khách bị phạt quỳ và kết thúc vào một đêm Quế Hỷ nằm trong lòng Hứa Ngạn Khanh, cảm nhận cái nóng của tháng tám đang lùi dần đi theo cơn gió lạnh ùa vào qua khung cửa sổ. Lúc này đây, chỉ còn lại cái nóng trong lòng, trong tim và giữa thân thể hai con người dính liền nhau không khoảng cách. Cái nóng ấy, đã tự lúc nào, chưng chín đóa hoa quế của riêng mình anh. 
Ngoài sân, hoa quế nở rộ. Trong phòng, một trời hương sắc, một mảnh tình thâm.
****
“Hoa Quế Chưng” được viết với bối cảnh dân quốc, trạch đấu với tầng tầng lớp lớp nhân vật dù sống trong cùng một xã hội nhưng đều có nỗi lòng riêng, lựa chọn cho mình con  đường riêng, dẫn đến kết cục khác nhau: Một Hứa Ngạn Khanh toan tính nhưng không tính được chữ tình; một Quế Hỷ vì thân phận thấp hèn mà luôn bị giằng xé giữa tranh đấu và từ bỏ; một mẹ Hứa luôn nhìn về Kinh thành như giấc mộng Hoàng Lương không thể nào chạm tới; một Phùng thị đến chết vẫn khắc khoải trong lòng về sự lựa chọn của bản thân vào ngày xưa cũ; một Kiều Ngọc Lâm kiên định nhưng rồi lại oan ức mất đi tình yêu; một Tạ Lâm Lang phóng khoáng, cấp tiến nhưng lại sa vào một tình yêu sai trái không lối thoát. 
Mỗi nhân vật, mỗi chi tiết, từng câu hát đều có ý nghĩa riêng và gắn kết, bổ sung cho nhau. Tất cả những chất liệu ấy gột nên một “Hoa Quế Chưng” thực sự xuất sắc trong từng phân đoạn, làm cho người đọc không thể rời mắt. Truyện gợi lên nhiều cảm xúc. Có lúc âm ỉ xót thương cho thân phận những người phụ nữ trong xã hội cũ, sống giữa chốn lầu son nhưng lòng như tro tàn. Có lúc lại thương cho những mối tình không thể thành đôi, cảm động vì chân tình của người với người. Rồi lại có lúc phải bật cười vì những chiêu trò tình thú của hai vợ chồng Hứa Nhị gia. Truyện có nhiều cảnh nóng nhưng hầu hết được miêu tả khá nghệ thuật, không phô trương mà lại thừa kích thích, đồng thời cũng góp phần lý giải vì sao phải là Ngạn Khanh và Quế Hỷ, mà không ai khác có thể chen vào. 
Truyện có nội dung rất hay, được edit cẩn thận, chú giải chi tiết những điển tích, điển cố. Nếu bạn có ý định tìm hiểu văn hoá Kinh kịch Trung Hoa, muốn đọc một bộ cao H nhưng lại có nội dung, “Hoa Quế Chưng” chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Advertisement

Bình luận